Tiền ảo IFan thu hút người chơi ra sao?
Cuối tháng 5.2018, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) điều tra vụ nhà đầu tư (NĐT) tố đường dây “tiền ảo” lừa 32.000 nhà đầu tư chiếm 15.000 tỉ đồng, liên quan đến Công ty CP Modern Tech (viết tắt Modern Tech, ở lầu 9 một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), nhằm làm rõ hành vi của các đối tượng kêu gọi đầu tư iFan, Pincoin. Đến nay, cơ quan điều tra (CQĐT) đã có kết quả xác minh ban đầu của vụ việc này.
Tổng giám đốc Modern Tech nói về vụ 'sập bẫy tiền ảo' |
Chuyển tiền lòng vòng
Như Thanh Niên đã phản ánh, sáng 8.4.2018, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty CP Modern Tech giăng băng rôn, tố cáo Modern Tech và nhóm phát triển iFan, Pincoin lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 15.000 tỉ đồng, “cầu cứu” cơ quan công an vào cuộc. Sau đó, một số bị hại đã gửi đơn tố cáo ông Vũ Hữu Lợi (đồng sáng lập, kiêm Giám đốc phát triển iFan quốc tế) và nhóm sáng lập Modern Tech đến PC03.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan công an, Modern Tech có tổng giám đốc và người đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn (30 tuổi, HKTT ở Thừa Thiên-Huế). Có 7 người thành lập và điều hành Modern Tech gồm: ông Hồ Xuân Văn góp vốn 13 tỉ đồng, tương đương có 13% cổ phần; Bùi Ngọc Mỹ (ngụ Bình Dương), Hồ Phú Ty (ngụ Tây Ninh), Lương Huỳnh Quốc Huy (ngụ Long An), Lưu Trọng Tuấn (ngụ Q.8, TP.HCM), Nguyễn Đức Trọng (ngụ Đồng Nai), Nguyễn Trung Hiếu (ngụ Lâm Đồng) góp 12 tỉ đồng/người, Vũ Hữu Lợi (ngụ Tuyên Quang) góp 15 tỉ đồng. Những người này đều kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp.
Đồng tiền số iFan được gắn mác là dự án đến từ Công ty iFan PTE.LTD có trụ sở ở Singapore, phát hành dưới dạng mã hóa token, lấy tên là iFan thông qua trang web https://ifan.io/. Công ty iFan PTE.LTD ủy quyền cho Modern Tech làm đại diện cho iFan, Pincoin tại VN. Sau đó, Modern Tech đã tổ chức hàng loạt sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội nhằm huy động vốn từ các NĐT.
Các NĐT cũng tố ông Diệp Khắc Cường (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển mạng lưới hữu nghị - FNC) cùng với nhóm sáng lập tiền ảo iFan - Công ty Modern Tech chiếm đoạt tiền của hàng ngàn NĐT. Quá trình điều tra cho thấy nhóm lãnh đạo phát triển iFan được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Theo đó, tháng 9.2017, Diệp Khắc Cường, Vũ Hữu Lợi, Bùi Ngọc Mỹ, Hồ Xuân Văn, Hồ Phú Ty mở sự kiện ra mắt đồng tiền iFan tại một trung tâm hội nghị ở Q.10, kêu gọi các NĐT tham gia. Tháng 10.2017, nhóm này tiếp tục tổ chức bán đấu giá đồng iFan ở một khách sạn lớn tại Vũng Tàu. Thời gian này các NĐT được mua iFan với giá rất thấp chỉ từ 0,1 đến 0,2 USD/iFan, vì vậy các NĐT đổ xô vào đồng tiền ảo được cho là cực lợi nhuận này.
Thay vì NĐT mua trực tiếp đồng tiền ảo iFan, nhóm thành lập đồng iFan đề nghị NĐT mua iFan bằng đồng Bitcoin và đồng ETH (hai đồng tiền kỹ thuật số có giá trị cao và được phép giao dịch trên các sàn quốc tế). Các NĐT mua iFan phải tự chuyển tiền VN để mua hai đồng này trên các sàn quốc tế. Sau đó, NĐT chuyển hai đồng tiền nói trên vào các ví điện tử trên sàn của các cá nhân thuộc nhóm lãnh đạo iFan để mua đồng tiền ảo iFan. Khi NĐT chuyển tiền vào ví điện tử của các nhà sáng lập iFan để mua iFan thì NĐT phải chờ đến giữa tháng 10.2017 mới được thông báo đã chuyển iFan vào các ID tại trang web myifan.io của từng cá nhân một. Đa số NĐT có đơn gửi PC03 và Bộ Công an đều mua đồng tiền ảo iFan dưới hình thức nói trên.
Một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM nhận định: “Đầu tư tiền ảo bằng hình thức này thì khó xác minh được tài khoản của NĐT, khó chứng minh giao dịch của các NĐT với nhóm sáng lập iFan, do việc chuyển tiền thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế (các đồng Bitcoin, ETH)”.
Thu được 5 triệu USD của NĐT, Diệp Khắc Cường giữ 50%
Nguồn tin của Thanh Niên nói thêm: “Tiến hành xác minh nhóm lãnh đạo sáng lập iFan tại cơ quan xuất nhập cảnh, những người sáng lập iFan mỗi tháng đi nước ngoài rất nhiều lần”.
Theo CQĐT, số tiền thu được từ NĐT bằng thủ đoạn nêu trên của nhóm sáng lập iFan là 5 triệu USD, số tiền này Diệp Khắc Cường giữ 50%, những người còn lại giữ 50%.
Một thời gian sau, Diệp Khắc Cường có mâu thuẫn về tiền bạc với một số người trong nhóm lãnh đạo sáng lập iFan như Vũ Hữu Lợi, Bùi Ngọc Mỹ, Hồ Xuân Văn, Hồ Phú Ty nên nhóm này tách khỏi Cường để kêu gọi đầu tư iFan riêng. Nhóm của Lợi phối hợp với 7 người nữa đứng ra tổ chức bán iFan ở một trung tâm hội nghị tại Q.10 vào tháng 11.2017. Lần này có hơn 1.000 NĐT tham gia, mua và thanh toán cũng bằng hình thức mua đồng Bitcoin và ETH để mua iFan.
Lúc này, Hồ Phú Ty đã chuyển toàn bộ dữ liệu của trang web myifan.io sang trang ifan.io. Tháng 12.2017 tại Hà Nội, nhóm của Vũ Hữu Lợi tổ chức kêu gọi NĐT tham gia đầu tư iFan với các gói lãi hấp dẫn đến gần 60%. Chương trình trả lãi được thực hiện bằng mô hình đa cấp, nhiều NĐT kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia đầu tư đồng iFan này để có lãi suất "khủng".
Bẫy “tiền ảo”
Các NĐT cũng lấy tiền mặt để mua đồng Bitcoin và ETH để mua iFan. Lần này, đa số mua lại iFan của các NĐT đã có iFan trước đó. Lãi suất NĐT không được nhận bằng tiền mặt mà bằng đồng iFan. Đến tháng 1.2018 thì dự án iFan tuyên bố ngừng hoạt động. Tất cả tiền của NĐT được trả về bằng đồng iFan, giá 5 USD/iFan. Đến nay, theo cơ quan công an, đồng iFan không có giá trị, NĐT không thể bán được đồng tiền này.
Cơ quan công an đã làm việc với các NĐT, những người này cho biết hoạt động mua bán iFan đều không có bất cứ hợp đồng đầu tư hay mua bán nào bởi mọi giao dịch tiền bạc đều trên sàn quốc tế.
“Các NĐT tin tưởng vào lời giới thiệu của lãnh đạo sáng lập iFan ở các sự kiện, hay người sau tin lời giới thiệu của người trước vì là bạn bè, người thân của họ giới thiệu khi mua đồng iFan. Hiện nay đồng tiền ảo Bitcoin và ETH chưa được luật pháp VN chấp nhận là phương thức thanh toán, cũng không có tổ chức nào theo dõi giám sát trong khi vụ việc mua bán iFan được thanh toán bằng cách mua hai đồng Bitcoin và ETH này”, cán bộ điều tra nói thêm.
Ngoài ra, các ví điện tử mua bán Bitcoin và ETH được thực hiện qua sàn quốc tế và thay đổi liên tục nên khó xác minh.
Không có việc 32.000 NĐT bị chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng
Liên quan đến nhóm NĐT tham gia tụ tập, giăng băng rôn nêu có 32.000 NĐT bị chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, cơ quan điều tra khẳng định con số này không chính xác, không có cơ sở. Bởi người đứng đầu nhóm kêu gọi giăng băng rôn này là bà N.T.T.H bị thiệt hại hơn 6 tỉ đồng. Làm việc với CQĐT, bà H. và một số NĐT cho biết, sở dĩ viết trên băng rôn 15.000 tỉ đồng để cơ quan báo chí, công an nhanh chóng vào cuộc, chứ những người này không biết bao nhiêu người bị lừa và bị lừa bao nhiêu tiền.
Đến thời điểm này, PC03 nhận được 145 đơn tố cáo liên quan đến hoạt động đầu tư đồng iFan với tổng thiệt hại là 90 tỉ đồng.
“Ngoài ra, các NĐT mua bán không giao dịch thông qua Công ty Modern Tech, không nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân sáng lập, điều hành công ty này mà mua đồng tiền iFan thông qua các đồng Bitcoin, ETH qua các sàn giao dịch tiền ảo. Vì vậy, việc điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan trong đường dây như tin báo của NĐT cũng rất khó”, nguồn tin cho biết.
PC03 vẫn đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm việc với những người tố cáo, xác minh tài khoản ngân hàng để điều tra.
Dấu hiệu lừa đảo qua huy động vốn đa cấp
Theo CQĐT, vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức huy động vốn đa cấp, lấy tiền người mua tiền ảo sau trả cho người mua trước với tỷ lệ lãi suất cao nhằm thu hút nhiều NĐT tham gia; sau khi huy động được lượng tiền lớn thì giải thể công ty để chiếm đoạt. Tuy nhiên, đến nay tài liệu chưa đủ để xác định được vai trò các đối tượng liên quan. Đặc biệt, việc NĐT mua bán, giao dịch đồng iFan bằng đồng Bitcoin và ETH thông qua 2 website là my.pincoin.io và ifan.io có máy chủ đặt tại nước ngoài nên các NĐT không lưu giữ được dữ liệu chứng minh số tiền thực tế đã đầu tư và số tiền mình đã bị chiếm đoạt. Việc thu thập chứng cứ chứng minh thiệt hại, chứng minh số lượng NĐT, số tiền đầu tư và chứng minh dòng tiền rất khó khăn.
Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)