Thời gian gần đây, hình thức mua hàng trả góp không còn quá xa lạ đối với người tiêu dùng. Thế nhưng, mới đây hàng loạt các doanh nghiệp trong nước tung ra chương trình mua hàng trả góp với lãi suất 0%, khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngại.
Nếu như trước đây, hình thức bán hàng trả góp chỉ được một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, điện máy, xe máy, ô tô…áp dụng, có tính lãi suất, thì hiện nay, trước nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng đã nhảy vào thị trường “béo bở” này. Cùng đó, nhiều sản phẩm, mặt hàng đã áp dụng chương trình giảm giá với lãi suất “sốc” 0%. Loại hình sản phẩm được hưởng lãi suất 0% khi mua hàng trả góp cũng phong phú và đa dạng hơn, từ các sản phẩm làm đẹp đắt tiền, đến các mặt hàng tiêu dùng với giá vài trăm ngàn đồng như: Mỹ phẩm, chăn đệm, xoong nồi, điện thoại…
Người tiêu dùng nên cẩn trọng trước hình thức bán hàng trả góp với giá 0% |
Dạo qua một số tuyến phố như: Kim Mã, Thái Hà, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu…tại một số siêu thị điện máy, cửa hàng điện thoại hay các văn phòng giao dịch bất động sản, không khó để người viết bắt gặp những băng rôn, biển quảng cáo bắt mắt với nội dung: Cam kết mức rẻ nhất với lãi suất 0%; tri ân khách hàng mua sản phẩm trả góp giá 0%... Chúng tôi vào một cửa hàng điện thoại của hệ thống Thế giới di động trên đường Lạc Long Quân, Tây Hồ để tìm hiểu về sản phẩm điện thoại trả góp lãi suất 0%. Ở đây, chúng tôi được nhân viên bán hàng tên Cường tư vấn khá kỹ. Cường bảo, thủ tục và yêu cầu rất đơn giản, về độ tuổi trong khoảng 21- 60 tuổi, ngoài ra còn có thủ tục hỗ trợ sinh viên. Nếu sản phẩm có giá trị dưới 10 triệu đồng, khách hàng chỉ cần nộp một bản chứng minh thư photo là được, sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên, thì cần có thêm hóa đơn điện, nước hoặc sổ hộ khẩu gia đình…
Chị Trang (ở Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết, tháng trước chị mua trả góp lãi suất 0% một chiếc điện thoại Sam Sung Glaxy với giá 9,5 triệu đồng tại một cửa hàng gần nhà. Chị Trang chỉ phải trả trước 20% trị giá sản phẩm, số tiền còn lại chị có thể lựa chọn chi trả trong vòng 3 tháng, 6 tháng hay một năm. Phía cửa hàng sẽ có người duyệt hồ sơ, chia định mức tiền cần phải trả cho mỗi tháng. Một tháng sau tiếp tục quay lại cửa hàng lần trước, chị Trang lại được tư vấn mua thêm sản phẩm, mặc dù số tiền nợ lần trước vẫn còn. Thậm chí người bán hàng còn tư vấn, hướng dẫn chị làm hồ sơ đơn giản và nhanh hơn lần trước rất nhiều.
Thủ tục vay đơn giản, hồ sơ được duyệt nhanh chóng sau vài giờ, bán hàng trả góp với lãi suất 0% đang bùng nổ mạnh mẽ, thực sự trở thành “cứu cánh” cho người tiêu dùng, khi túi tiền của họ không được rủng rỉnh. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích trước mắt, liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi thực sự hay không, hay đó là một trong những hình thức kinh doanh mới đang là câu hỏi đầy nghi ngại của không ít người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có được hưởng lợi?
Anh Mạnh Tiến (ở Trung Văn, Thanh Xuân) chia sẻ: “Tôi mua một chiếc điện thoại Sam Sung Note 5 với giá 16 triệu đồng, tại cửa hàng Thế giới di động bằng hình thức mua trả góp lãi suất 0%, thấy thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Những tưởng mình mua được sản phẩm đúng hãng, đúng giá…thế nhưng, chỉ một ngày sau khi tôi đến cửa hàng Nhật Cường Mobile, thì thấy chiếc điện thoại cùng loại, cùng hình thức trả góp, nhưng giá bán chỉ hơn 15 triệu đồng. Thậm chí, khi tôi tìm hiểu giá tại một số cửa hàng điện thoại với hình thức thanh toán trước, giá sản phẩm này rẻ hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, đây có thể là chiêu tăng giá lên rồi để khuyến mại và người tiêu dùng bị doanh nghiệp “móc túi” mà không hay.
Trước những nghi ngại của người tiêu dùng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tại, bán hàng trả góp là một hình thức phát triển của thương mại hiện đại, doanh nghiệp dựa vào đó để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng tìm đến với sản phẩm của mình. Riêng trả góp không lãi suất chính là một cách khuyến mại thông minh của các nhà bán lẻ. Thay vì giảm giá vài chục phần trăm, hay tặng quà, doanh nghiệp bán lẻ sẽ hỗ trợ và thay khách hàng trả phần lãi suất cho đơn vị cho vay. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, nếu như giá bán quá cao so với giá gốc thì không nên mua, bởi lẽ không chỉ người tiêu dùng bị thiệt mà họ còn tiếp tay cho hình thức kinh doanh theo kiểu tín dụng đen.
Còn anh Đinh Văn Mạnh (ở phố Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây anh từng đi du học ở Mỹ và biết rằng, hình thức bán hàng trả góp được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thế nhưng, ở Mỹ người ta cũng có một câu nói ấn tượng là “Không có bữa trưa nào miễn phí”. Vì thế, hình thức mua hàng trả góp, hay mua hàng với lãi suất 0% là điều không tưởng, trừ khi doanh nghiệp muốn bán đi sản phẩm cũ, xả hàng tồn kho, hàng kém chất lượng.
Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sự “bùng nổ” của loại hình kinh doanh bán hàng trả góp với lãi suất 0% cho thấy, các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm tới hình thức bán hàng hiện đại. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đang cạnh tranh nhau đưa ra nhiều hình thức bán hàng mới để kích thích sức mua, tạo điều kiện cho người tiêu dùng được sở hữu sản phẩm theo nhu cầu, nhưng không phải trả số tiền lớn cùng một lúc. Tuy nhiên, để thực hiện các chương trình bán hàng trả góp có lãi suất hoặc không có lãi suất, thường là hình thức phối hợp kinh doanh giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng cho người tiêu dùng vay tiền, doanh nghiệp sẽ là người thay khách hàng trả lãi suất cho ngân hàng.
“Tất cả mọi chi phí sau đó đều được cộng vào giá bán sản phẩm, chứ tuyệt nhiên không có gì gọi là khuyến mại giảm giá, giảm lãi suất ở đây cả. Người thiệt thòi cuối cùng vẫn là khách hàng, bởi khi lãi suất vay ngân hàng được doanh nghiệp cộng vào giá bán, thì thuế VAT sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ phải chịu phần tăng lên này. Khi mua hàng trả góp, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã đồng ý “mượn tiền” doanh nghiệp, phần lãi suất sau đó sẽ do sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Bởi thế, nếu thấy giá thành quá cao so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, khách hàng có thể từ chối để tránh thiệt thòi”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo Đạt Đỗ (laodongthudo.vn)