Bày bán tràn lan
Những ngày gần đây, trên các tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện nhiều sạp hoa quả và xe thồ chở đầy loại đào tiên khổng lồ được cho là có xuất xứ từ Sapa.
Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội, thay vì cộp mác “đào Sapa” đặc sản Việt Nam, dân buôn công khai quảng cáo rằng loại đào này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không phải hàng chợ mà là “hàng nội địa”. Một số tiểu thương còn tự đặt tên là “đào Tôn Ngộ Không”, bán với giá từ 55.000-90.000 đồng/kg tùy loại.
Theo người bán quảng cáo, loại đào này có vỏ màu hồng, phần ruột cũng màu hồng nhạt, ăn có vị ngọt, giòn và mùi khá thơm. Đáng chú ý, đào tiên có trọng lượng rất khủng, quả loại nhỏ thường có trọng lượng 250-300 gram, quả to nặng tới 0,5 kg, thậm chí loại vip quả còn nặng tới 0,7-1 kg.
Với trọng lượng khổng lồ, lại xuất hiện với tên “đào tiên” hay “đào Tôn Ngộ Không” nên loại đào này đang được các bà nội trợ chuộng mua về ăn.
Theo ghi nhận của báo VietNamNet, loại đào tiên khổng lồ này được bày bán la liệt. Đào được để trong sọt nhựa đen hay thùng carton chất đầy trên xe tải hay kho để chờ khách đến lấy sỉ.
Anh Nguyễn Văn Cảnh, một đầu mối chuyên đổ buôn mặt hàng này tại chợ đầu mối Long Biên, khẳng định, đây là đào tiên Trung Quốc, nhưng không phải là hàng nội địa Trung Quốc như người bán lẻ quảng cáo. Chúng cũng giống như các loại mận, táo, nho Trung Quốc được nhập về Việt Nam qua các cửa khẩu.
“Bây giờ đang vào mùa đào tiên nên hàng về rất nhiều, giá cũng hạ hơn hồi đầu mùa”. Anh Cảnh nói và cho biết anh đã buôn đào này về đổ sỉ cho các mối buôn nhỏ lẻ được hơn chục năm nay.
Ngoài đào tiên đang xuất hiện trên thị trường, Việt Nam còn nhập loại đào trơn, đào mỏ quạ, tuy nhiên, phải hết mùa đào trơn và đào mỏ quạ thì mới vào mùa thu hoạch đào tiên.
Theo anh, ở Sapa (Lào Cai) không trồng được loại đào tiên này, Nhật Bản thì có trồng nhưng giá nhập về Việt Nam rất đắt đỏ. Còn giá đào tiên Trung Quốc thì thuộc loại siêu rẻ.
Đào tiên có rất nhiều size, loại 3-4 quả/kg, loại 2 quả/kg, loại vip 1 quả/kg. Theo đó, giá bán thường dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg tùy loại. Cầm quả đào tiên to khổng lồ trên tay, anh chia sẻ: “Quả này nặng 0,5kg, tính ra giá chỉ 10.000 đồng, một người có khi ăn không hết một quả”.
Anh Cảnh cũng tiết lộ vào mùa, mỗi ngày anh thường đổ buôn khoảng trên dưới 3 tấn đào tiên Trung Quốc, được dân buôn rất chuộng mua. Bởi, đây là loại quả có giá khá rẻ, khách mua buôn về bán lẻ có thể lãi gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần giá lấy buôn.
Và không chỉ Hà Nội, tại một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng xuất hiện rất nhiều loại hoa quả “khổng lồ” này.
Thậm chí, tại các tỉnh này, số lượng bán ra còn nhiều hơn so với Hà Nội bởi tâm lý e ngại hoa quả Trung Quốc không lớn.
Thậm chí, theo như khảo sát của PV Soha, đào “khổng lồ” còn được bày bán rất nhiều tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh, chỉ khác một điều là nó được quảng cáo với cái tên “đào Hà Nội”.
Theo đó, tại một số chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ chuyên doanh thực phẩm Bắc, như chợ Căn cứ 26A (Phan Văn Trị, quận Gò Vấp), nhiều sạp và xe đẩy rao bán loại mận Hà Nội này. Giá bán tại đây dao động từ 30.000 - 70.000 đồng/kg.
Thậm chí, có một số xe đẩy bán “mận Hà Nội” với giá chỉ… 10.000 đồng/kg. Với giá rẻ như cho, nhiều người đã đổ xô đến mua nhưng về ăn không được vì mận bị nhũn, thâm đen, ruột bị ủng.
Cơ quan chức năng nói gì?
Để xác minh nguồn gốc của hai loại trái cây đang gây xôn xao nói trên, PV Soha đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.
Ông Tuấn khẳng định, đào và mận Sa Pa đã hết mùa. Hơn nữa, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lào Cai không phù hợp nên dù vào mùa cũng không đủ số lượng để cung cấp cho thị trường khác.
"Mùa đào ở Sa Pa thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 7. Thời điểm này, các chủ vườn đã thu hoạch và bán xong trước đây nửa tháng.
Hiện tại, đào của Lào Cai cũng đã hết vụ. Các loại đào và mận "khổng lồ" bán trên thị trường hiện nay chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, không phải cứ trái cây Trung Quốc là không đảm bảo.
"Nhiều trường hợp, để nhập hoa quả về Việt Nam nhưng vẫn giữ được vị tươi ngon, chính thương lái người Việt lại sử dụng nhiều chất bảo quản khác nhau cho vào trái cây.
Vì thế, người mua nên lựa chọn các cơ sở uy tín, có chứng nhận và cần phải tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc của mặt hàng", ông Tuấn khuyến cáo.
Người tiêu dùng nên trang bị kinh nghiệm về việc chọn nông sản. Có thể dựa vào một số đặc điểm khác nhau để tránh mua nhầm mận Trung Quốc.
Chẳng hạn, mận Hà Nội kích cỡ nhỏ, không đều, ngoại hình không đẹp, thường có lớp phấn trắng bên ngoài, khi chín có màu đỏ sậm.
Còn mận Trung Quốc quả to, đẹp, ít khi có lớp phấn ngoài vỏ, có màu vàng nhẹ hoặc tím bầm đen.
Mận Hà Nội có vị hơi chua, thanh, khi chín thì ruột ngọt nhưng phần vỏ vẫn hơi chua nhẹ. Mận Trung Quốc ăn ngọt, ruột mềm, nhũn hơn, khi để tủ lạnh thường bị nẫu ruột, ăn nhạt và không ngon.
Theo Kim Dung (sohuutritue.net.vn)