Bà Thảo bật khóc rời tòa, nói 'quá bất công với mẹ con tôi'
Rất nhiều người không vui khi câu chuyện Trung Nguyên đi đến hồi ngã ngũ: Bà Thảo ra về trong nước mắt ngậm ngùi và im lặng; ông Vũ có thể hả hê khi có được toàn bộ cổ phần Trung Nguyên, đổi lại, ông không có quyền nuôi con. Những người từng ngưỡng mộ hai người vì một mối tình đầy mơ mộng, cổ tích cũng phải chấp nhận một cái kết phũ phàng: Họ đã chia tay.
Cuộc tình Trung Nguyên có thể từng là giấc mơ của bao nhiêu người yêu nhau - một câu chuyện mẫu mực trong việc dựng gia đình và dựng cơ đồ. Ông Đặng Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tới với nhau tất nhiên chẳng phải vì của nả. Ở độ tuổi ngoài đôi mươi, họ bắt đầu bằng một tình yêu chân thành rồi tay trắng cùng nhau gây dựng lên sự nghiệp mà bao gia đình ngưỡng mộ. Anh giỏi dẫn dắt, chị giỏi lèo lái; công ty phát đạt và gia đình với 4 người con hạnh phúc, tưởng chừng như đã có tất cả trong tay rồi…
Nhưng cuối cùng, khi có cơ đồ nghìn tỷ, họ lại không có nhau. Ông Vũ và bà Thảo của hồi mới yêu nhau, họ chắc không bao giờ nghĩ tới ngày này.
Hơn 3 năm ròng rã của vụ kiện với nhiều phát ngôn khiến người trong cuộc tổn thương, người ngoài cuộc ngỡ ngàng; ai đó đã quên đi những ngày tháng họ từng yêu nhau mặn nồng và "có tất cả". Để giờ đây, sau phán quyết cuối cùng của tòa án, người ta chỉ nhớ tới hai hình ảnh: Giọt nước mắt ngậm ngùi của bà Thảo khi rời khỏi phiên tòa và câu nói cuối cùng của ông Vũ "Cái gì không phải của mình thì đừng có giành giật làm gì".
Các trang báo đều đang chạy dòng tít: "Bà Thảo rơi nước mắt sau phiên tòa ly hôn".
Nhưng cũng không ai hiểu được, bà Thảo rơi nước mắt vì điều gì? Tôi không cho rằng hoàn toàn là vì tiền và cổ phần! Dẫu tất nhiên chúng là rất nhiều, là nguyên nhân chính để một phiên tòa ly hôn kéo dài đến hơn 3 năm. Nhưng trong một phiên xử người ta chỉ luôn muốn giành chiến thắng vì cảm giác chiến thắng mới là điều quan trọng.
40% tài sản không phải một con số nhỏ, khi 1% của cuộc ly hôn nghìn tỷ này đã đủ cho nhiều người sống sung túc cả đời; quyền nuôi con, bà Thảo đã có được. Vậy những giọt nước mắt đó rơi vì đâu? Vì cổ phần Trung Nguyên tuột khỏi tay hay vì tất cả mọi thứ - một cơ đồ bà từng đồng cam cộng khổ xây dựng, một mối quan hệ đi lên từ sự đồng lòng đã đến hồi kết thúc.
Hơn ai hết, bà Thảo thấu hiểu nỗi đau khi tưởng chừng như đã "có tất cả" nhưng giờ chẳng còn gì. Một câu chuyện tình đẹp được ghép thành từ nhiều mảnh ghép; thiếu một mảnh cũng thành thứ vá víu vô nghĩa. Có lẽ với phán quyết nào của tòa, bà Thảo cũng sẽ ngậm ngùi trong im lặng vì chẳng có cái kết nào hoàn hảo cho một cuộc chia ly.
Nếu theo dõi toàn bộ vụ kiện, ngoài con số nghìn tỷ của cuộc phân chia tài sản, dư luận hẳn cũng không quên được là những lời chua xót cặp vợ chồng Trung Nguyên dành cho nhau. Nó khiến nhiều người giật mình nhận ra rằng trước những cái tôi cá nhân quá lớn, trước cái bóng của tiền và quyền lực, tình cảm gia đình hay bao thứ cảm xúc gầy dựng bao năm cũng không thể dập tắt ngọn lửa trong lòng mỗi người.
Tình yêu họ dành cho nhau đã từng khiến bao người phải thán phục. Họ đã cùng nhau đi qua được bao giông bão cuộc đời. Ấy thế rồi mà tình yêu đẹp như tấm gương để nhiều người soi vào mà học cũng tan tành.
Bà Thảo thất thần khi tòa tuyên chuyển toàn bộ cổ phần cho ông Vũ |
Giọt nước mắt của bà Thảo, chắc cũng trực rơi lâu lắm nhưng trong khoảnh khắc cuối cùng này, bà biết mình không còn gì để mất và cũng chẳng còn gì để níu giữ.
Không ai được trách và cũng chẳng ai có quyền phán xét bà Thảo hay ông Vũ, vì dù tốn bao giấy mực truyền thông thì họ vẫn mới là những người biết rõ nhất chân tướng sự việc. Có điều nhìn sự lặng lẽ của bà Thảo, người ta chỉ thấy buồn thôi.
Không dưới một lần, ông Vũ đã nhắc tới câu nói này nhằm vào bà Thảo. Một lần nữa trong phiên tòa cuối cùng, khi mọi thứ kết thúc, ông Vũ lại lặp lại lời "căn dặn" - nhiều người nói như một lời đay nghiến xoáy sâu vào bà Thảo: "Cái gì không phải của mình thì đừng có giành giật làm gì".
Khi ông Vũ nhắc lại nhiều lần câu nói này, không biết liệu ngoài tiền bạc ra ông còn muốn nói về điều gì? Chỉ biết rằng câu nói như cứa sâu vào một mối tình đi lên gần như từ bàn tay trắng. Tiền bạc từng là của bà Thảo, những người con từng là của chung cả hai, gia đình hạnh phúc từng là điều bà tự hào? Vậy điều gì không phải của mình bây giờ? Có lẽ là cuộc hôn nhân này, ông Vũ giờ đã không còn là của bà Thảo.
Dẫu biết rằng thời gian sẽ thay đổi mọi thứ nhưng cuộc tình đẹp bấy nhiêu năm phải chấm dứt trong một phiên tòa đầy căng thẳng khiến rất nhiều người đều tiếc nuối. Trước phiên tòa, người ta chỉ trích bà Thảo tham lam khi cố gắng giành phần hơn trong việc phân chia tài sản, chỉ vì cổ phần mà lôi các con vào cuộc phân chia. Người ta cũng phê phán ông Vũ không xứng đáng bậc đàn ông tranh giành cổ phần với vợ đến cùng. Nhưng đến khi nhìn họ kết thúc, dù đứng về phía ông Vũ hay bà Thảo, người ta cũng chỉ biết thở dài.
"Thôi cũng kết thúc rồi".
Nghĩ đến ông Vũ và bà Thảo, người ta ngẫm về sự chênh vênh của cuộc đời; những thứ tưởng chừng như thuộc về bà Thảo, thuộc về ông Vũ giờ chẳng còn thuộc về họ nữa. Ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần của Trung Nguyên và 60% tài sản, nhưng mất quyền nuôi con, bà Thảo sở hữu 40% tổng tài sản tương đương với khoảng 3.000 tỷ đồng, mất hết cổ phần ở Trung Nguyên nhưng có 4 đứa con bên mình làm động lực.
Kết thúc cuộc giằng co 3 năm, người được cổ phần Trung Nguyên, người được con, nhưng đặt lên bàn cân, chẳng có ai là người "được hơn" trong câu chuyện này. Bởi đổ vỡ trong hôn nhân, mất đi gia đình là cuộc đổ vỡ cảm xúc đầy đau khổ. Khi bước ra từ mối quan hệ đổ vỡ ấy, dù được, mất thế nào, ai cũng khuyết đi một khoảng khó thể lấp đầy trong lòng. Lúc phiên tòa kết thúc cũng là lúc mọi thứ khép lại, họ đều mất đi nhiều điểm tựa trong cuộc sống bản thân.
Khi đâm đơn kiện ra tòa, ông Vũ, bà Thảo đã chấp nhận rằng sẽ chỉ có thể nhặt lại những mảnh vỡ cảm xúc chằng chịt hoặc chấp nhận xây lại từ đầu. Trong cuộc ly hôn nghìn tỷ này, có lẽ không có người thắng hay người thua, chỉ có người bước ra khỏi tòa án như thể người chiến thắng hoặc như một người thua cuộc.
Cái kết của cuộc ly hôn nổi tiếng nhất nhì Việt Nam này khiến người ta nghĩ về câu nói trước đó của ông Vũ: "Tiền nhiều để làm gì". Nhìn khung cảnh phòng xử án ngày hôm nay, người ta khẽ thở dài và tự hỏi "Tiền nhiều để làm gì" khi một người khóc lóc sụt sùi rời khỏi tòa án, một người miệng cười nhưng cũng ngậm ngùi chẳng vẻ vang.
Tiền nhiều để làm gì khi hạnh phúc ngắn chẳng tày gang?
Theo Du Du (Trí Thức Trẻ)