Mở màn cho tập 13 Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ mùa 3 là màn gọi vốn 1 triệu đô la cho 20% cổ phần của Trung Hiếu và Hồng Nhi cho dự án Telepro, một nền tảng kết nối hàng ngàn tư vấn viên cho các doanh nghiệp để thực hiện các công việc chăm sóc khách hàng qua điện thoại.
Từ tháng 6/2019 đến nay, Telepro có khoảng 12.000 tư vấn viên, doanh số gần 1 tỷ đồng/tháng, tham vọng ra thị trường khu vực, đặc biệt là Philippine.
Ngoài cung cấp nhân viên tư vấn, Telepro cung cấp cho doanh nghiệp một hệ thống báo cáo và giám sát chất lượng cuộc gọi cho doanh nghiệp.
Liên quan ý tưởng của Telepro, trước khi nhận xét, Shark DZung Nguyễn bất ngờ gửi lời xin lỗi đến Shark Nguyễn Thanh Hưng và thẳng thắn chia sẻ, hàng ngày, vị cá mập đang nhận 20-30 cuộc gọi làm phiền, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Vì thế, vị "cá mập" muốn Telepro tìm kiếm giải pháp để hạn chế những cuộc gọi gây khó chịu, mang tính chất spam như hiện nay hay không.
"Nếu cuộc gọi hiện tại các Shark đang bận rồi, thì tối thiểu 4 tiếng sau tư vấn viên mới được quyền gọi lại", Trung Hiếu nói.
Hồng Nhi – nhà sáng lập Telepro cho biết, đơn vị sẽ yêu cầu doanh nghiệp cam kết chất lượng thông tin khách hàng, để Telepro đảm bảo thông tin cuộc gọi.
"Với những vị khách không muốn nhận cuộc gọi thì phải loại ra", Hồng Nhi nói.
Không đồng tình với giải pháp này, Shark Hưng cho rằng, tỉ lệ thành công của các cuộc gọi tư vấn, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 1/1000 vì thế, nếu dùng cách loại hồ sơ, thì chỉ sau vài cuộc gọi, đã có khoảng 99% khách hàng vào "danh sách đen".
Thuyết phục các "cá mập", Trung Hiếu nhấn mạnh, hầu hết các cuộc gọi của tư vấn viên đều chưa chọn đúng thời điểm. Telepro phân tích được giờ nào gọi điện khách hàng sẽ không bận để tiếp nhận cuộc gọi tốt nhất.
Nhà sáng lập Telepro cũng đưa ra kế hoạch cho giả thuyết xây dựng giải pháp cho Bệnh viện Phương Đông của Shark Nguyễn Thanh Việt, đó là, Telepro sẽ lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, sau đó tư vấn kịch bản cuộc gọi và báo cáo. Vì đặc thù riêng mà nhân viên của Telepro sẽ phải được cán bộ bệnh viện hỗ trợ tư vấn.
Tuy nhiên, Shark Việt cho rằng, các cuộc gọi tư vấn thực chất là "cưỡng bức" khách hàng bằng điện thoại. Vị "cá mập" cũng băn khoăn về việc Telepro có bảo mật thông tin khách hàng hay không.
Shark Thái Vân Linh đặc biệt quan tâm Telepro có gì khác biệt về công nghệ so với các mô hình tương tự tại thị trường khu vực như Philippine. Vị "cá mập" cho rằng, nếu muốn tiến công ra thị trường quốc tế thì cần có tư vấn viên biết tiếng Anh. Phân tích nhiều điểm chưa thuyết phục của dự án, Shark Linh quyết định không đầu tư. Đây cũng là quyết định của Shark Hưng và Shark Việt.
Đưa lời khuyên cho hai nhà sáng lập, Shark Dũng cho rằng, Telepro cần chú trọng đến việc có kế hoạch phát triển bền vững, và nhà đầu tư đưa ra con số 300.000 đô la cho 20% cổ phần giai đoạn 1 và 700.000 đô la giai đoạn 2.
"Anh sẽ dẫn dắt vòng gọi vốn tiếp theo để Telepro gọi được 1,5 – 2 triệu đô la bởi các em sẽ cần thêm nhiều vốn", Shark Dzung nói.
Hứng thú với dự án Telepro, Shark Đỗ Liên đề nghị 1 triệu đô la cho 51% cổ phần. Tuy nhiên, Telepro đề nghị mức cổ phần của nhà đầu tư là 25%.
"Tôi muốn gắn kết cuộc đời tôi với cuộc đời của các bạn, tôi đề nghị các bạn 51%, còn tôi 49%", Shark Liên nói.
Hai "cá mập" liên tục đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn như ngoài hỗ trợ tài chính, sẽ cam kết đồng hành, đưa giải pháp cho sự tăng trưởng của Telepro trong tương lai.
Sau cùng, Shark Dzung đưa đề nghị 300.000 đô la cho 15% cổ phần giai đoạn 1 và 700.000 đô la theo KPI giai đoạn 2.
"Em cần một người đi đường dài với em hay chỉ cần ngay một khoản tiền. Em chọn tiền ngay bây giờ hay tiền trong tương lai", Shark DZung Nguyễn đặt câu hỏi.
Kết thúc màn gọi vốn, Telepro quyết định chọn đề nghị đầu tư của Shark DZung Nguyễn. Hai nhà sáng lập cho rằng, mặc dù số tiền 1 triệu đô la là vô cùng cần thiết nhưng nhóm chọn đề nghị 300.000 đô la cùng sự đồng hành của Shark DZung Nguyễn để Telepro phát triển bền vững hơn.
Theo Hoàng Linh (Báo Dân Sinh)