'Sốt ruột' chờ hoàn thuế

03/12/2022 09:40:49

Việc chậm hoàn thuế GTGT góp phần tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành sản xuất, chế biến gỗ, cao su, sắn… đang gặp vướng mắc lớn về hoàn thuế GTGT. Đây là khoản tiền thuế DN tạm đóng cho nhà nước, sau đó được hoàn lại nhưng thời gian chờ thường tới 4-9 tháng, có trường hợp còn lâu hơn gây tốn kém chi phí.

Cả năm chưa được hoàn thuế

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho biết đến cuối tháng 11, số tiền thuế GTGT chưa hoàn của các DN sắn lên đến 1.000 tỉ đồng trong khi các DN đang gặp nhiều khó khăn về vốn. "Có DN hơn 1 năm chưa được hoàn thuế GTGT, DN bị tồn nhiều nhất lên đến 500 tỉ đồng do khâu xác minh hồ sơ kéo dài. Chúng tôi đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần về vấn đề này, rất mong được tháo gỡ để ổn định sản xuất - kinh doanh" - ông Tiến nói.

Thông tin thêm về việc này, ông Phạm Vũ Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho hay vào tháng 7 vừa qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát người mua hàng phía Trung Quốc đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trên cơ sở này, các cục thuế địa phương tiến hành xác minh người mua hàng từ Trung Quốc, dẫn đến việc dừng hoàn thuế GTGT của các DN xuất khẩu sắn.

'Sốt ruột' chờ hoàn thuế
Doanh nghiệp sản xuất cao su xuất khẩu là một trong những ngành đang gặp vướng mắc về hoàn thuế GTGT. Ảnh: AN NA

Một DN xuất khẩu cao su tại TP HCM phản ánh dù DN thuộc diện "hoàn thuế trước, kiểm tra sau" trong hoàn thuế GTGT nhưng hơn 1 năm nay vẫn phải chờ cán bộ thuế kiểm tra hồ sơ với số tiền chưa nhận lên đến 100 tỉ đồng. Nguyên nhân là cách xác minh nguyên liệu từ nông dân như hiện nay không phù hợp thực tế. Ví dụ, nông dân bán hàng lấy tiền từ lâu, nay không hợp tác việc xác minh, có trường hợp nông dân trồng cao su trên đất khai hoang, không có sổ đỏ nên chính quyền địa phương không xác nhận.

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết đã gửi thông tin các DN gặp vướng mắc về hoàn thuế GTGT sang cơ quan thuế để hỗ trợ rà soát hồ sơ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin những vướng mắc cũng như các trường hợp DN được hoàn thuế vì đây là vấn đề được toàn ngành quan tâm" - đại diện VRA cho biết.

Trước đó, VRA kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc phân loại DN, DN nào chấp hành tốt pháp luật về thuế thì được xét hoàn thuế trước theo đúng quy định hiện hành. Đối với DN thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian kiểm tra hồ sơ phải trong vòng 40 ngày theo quy định.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hội DN TP HCM, ách tắc trong hoàn thuế là một trong những nguyên nhân làm cho DN xuất khẩu thiếu hụt vốn sản xuất - kinh doanh. Có DN mỗi tháng xuất 50-70 container đi hàng chục quốc gia nhưng phải chờ một thời gian rất dài để cơ quan thuế xác minh thông tin mua hàng của phía nước ngoài xong mới được hoàn thuế.

Kiến nghị hoàn trước, kiểm tra sau

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, lý giải theo quy định, DN thuộc đối tượng kiểm tra trước hoàn thuế sau thì sau 40 ngày nộp hồ sơ là được hoàn. Thế nhưng, do thời gian gần đây xảy ra một số vụ DN mua bán hàng hóa lòng vòng qua nhiều khâu trung gian để gian lận tiền thuế nên ngành thuế phải thể hiện trách nhiệm bằng cách ban hành một số văn bản, yêu cầu cán bộ thuế truy vết, kiểm tra xác minh đến người mua bán cuối cùng cả trong và ngoài nước để bảo vệ nguồn thu ngân sách, bảo đảm công bằng cho người nộp thuế. Từ đó, các cán bộ thuế tiêu tốn rất nhiều công sức mới kiểm tra xong, khiến việc hoàn thuế bị chậm trễ. DN đề nghị hoàn thuế phải chờ đợi trong thời gian dài. "Để sớm giải phóng dòng tiền cho DN, cơ quan thuế có thể hoàn thuế trước và tiến hành kiểm tra ngay. Nếu phát hiện DN có hành vi gian lận hoàn thuế thì xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, ngành thuế cần phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành khác để xác minh thông tin DN hoàn thuế trong thời gian sớm nhất" - ông Được đề xuất.

Trong tổng hợp và báo cáo các thách thức lớn nhất của DN các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đề cập khó khăn về hoàn thuế GTGT. Cụ thể, vấn đề hoàn thuế GTGT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố (40 ngày) với thời gian thực tế (có thể lên tới nhiều tháng thậm chí cả năm), làm đọng vốn với số tiền rất lớn của DN. "Ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho DN vì DN đang gặp khó khăn về dòng tiền. Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của DN, đặc biệt với các DN tư nhân trong nước trong bối cảnh đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn COVID-19 như: chính sách giảm 2% thuế GTGT, chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ..." - đại diện Ban IV kiến nghị.

Ngoài ra, Ban IV cũng kiến nghị tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết DN như nhóm thủ tục về khởi sự kinh doanh, thương mại, các thủ tục quy trình về đầu tư, thuế... và tháo gỡ trọng tâm các kiến nghị về hoàn thuế cho DN ngành gỗ, cao su. 

Đã có công văn hướng dẫn

Tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế nhằm hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước... Riêng việc hoàn thuế cho các DN có dự án đầu tư, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn hướng dẫn, đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ để xem xét giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về hoàn thuế dự án đầu tư.

Theo Thy Thơ - Ngọc Ánh - Thái Phương (Nld.com.vn)