Thế nhưng, dường như tất cả chúng ta lại không mong muốn một thị trường quá nóng, hay một thị trường quá lạnh. Với những đợt sốt âm ỉ từ đầu năm đến nay ở các địa phương, người ta lo lắng về một thị trường BĐS đang nóng quá cũng là điều dễ hiểu. Bởi, nếu nóng quá thì những hệ lụy có thể diễn biến theo chiều hướng xấu mà không ai mong muốn.
Thực tế, có quá nhiều lý do để đất sốt "bùng lên" một cách bất thường từ đầu năm 2021. Nhiều người cho rằng, chung quy đất sốt là do "tiền nhiều", cũng có ý kiến cho rằng, tiền mất giá (tiền rẻ), không có kênh nào để đầu tư thì người ta đi mua đất…hay, sốt đất do quy hoạch, tâm lý đám đông.
Quả thực, muôn vàn lý do để đất có thể sốt. Bình thường sốt đất khu chưa có Covid-19 là điều dễ hiểu, nhưng ngay trong lúc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đất vẫn sốt thì được xem là bất thường.
Tại hội thảo mới đây do báo Người Lao Động tổ chức, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nếu nhìn ở bức tranh chung, sốt đất xảy ra cục bộ ở một số địa phương khi có thông tin về quy hoạch.
Giá có thể tăng vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng nhưng không phải là giao dịch quy mô lớn mà chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời.
"Nguyên nhân sốt đất một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá BĐS tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tín hiệu lạc quan. Một số kênh đầu tư tích trữ an toàn như tiền gửi có lãi suất thấp nên nhà đầu tư tìm đến kênh hấp dẫn hơn như BĐS", ông Lâm khẳng định.
Thế nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng, đất sốt không còn ở cục bộ nữa mà có dấu hiệu lan dần ra các khu vực. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, thực tế, hiện nay sốt giá BĐS trên mọi phân khúc BĐS từ đất nền, căn hộ, đến nhà phố, biệt thự, các khu vực đô thị cũ… nhưng nổi bật nhất là sốt đất nền, đất nông nghiệp.
Và, có rất nhiều lý do dẫn đến những cơn sốt đất lan rộng. Trong đó lý do đầu tiên có thể nói là nguồn tiền dành cho đầu tư BĐS cực kì lớn. Cũng giống như dòng nước chảy về chỗ trúng, tiền từ chứng khoán, ngoại tệ, sản xuất kinh doanh…đang có dấu hiệu đổ vào BĐS.
"Không thể phủ nhận, so với các kênh đầu tư khác, BĐS là kênh tích trữ tài sản an toàn, dù tiền có mất giá, mua phải giá hớ thì giá trị của nó là căn nhà, miếng đất vẫn còn đó. Dòng tiền đầu tư của xã hội đang tăng lên, có thể họ chưa tìm được kênh đầu tư thích hợp nên bỏ vào BĐS. Đó là lý do sốt đất", ông Châu khẳng định.
Chưa kể, lãi suất tiết kiệm giảm, người dân rút tiền ra chuyển hướng sang BĐS. Với nhiều nhóm NĐT, BĐS vừa là kênh trữ, vừa là kênh tạo vốn nên không có lý do gì mà NĐT không lựa chọn. Vì thế, hiện thị trường đang có hiện tượng chuyển động lớn dòng tiền sang BĐS.
Rồi, một lý do khác mà đa số chuyên gia cùng nhận định là tâm lý đám đông đã khiến thị trường đã nóng càng trở nên "sốt" hơn. Trong đó, một lượng đầu nậu, cò đất… làm náo loạn thị trường. Khi thị trường nóng thì việc thổi giá lên là chuyện như cơm bữa ở các địa phương.
Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, sốt đất do tâm lý ăn theo theo thông tin là điều dễ nhận thấy. Người dân họ rất tin vào đất đai, đó là tài sản tích lũy an toàn. Họ cũng rất thông minh khi vào thị trường ở thời điểm này.
Và có một nguyên nhân theo vị chuyên gia này, ngân hàng đang tạo ra nguồn lực để dòng tiền chuyển vào BĐS. Số tiền đổ về cho vay BĐS rất lớn, vì thế giải pháp ở đây là ngân hàng phải hãm lại dòng tiền cho vay…thì may chăng mới "hạ" được sốt đất.
Mặc dù, nhu cầu kiếm tiền là chính đáng nhưng thị trường "nóng sốt" quá cũng khiến nhiều bên lo ngại. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư Tp.HCM, giá BĐS tăng chóng mặt gây xôn xao dư luận.
Chỉ số quan tâm BĐS tăng 15-105% ở giai đoạn này. Sức nóng của BĐS gia tăng buộc 4 bộ ngành (Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính) và các tỉnh khác phải vào cuộc.
Theo ông Hậu, hiện nhiều người rút tiền tiết kiệm đi buôn đất; lãi suất thấp nên đi vay đầu tư chứng khoán, mua BĐS…Điều này dễ dẫn đến nguy cơ bong bóng BĐS. Về lâu dài, nền kinh tế xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc sản xuất kinh doanh.
Vị Luật sư này chỉ ra 4 nguyên nhân gây nên cơn sốt BĐS.
Thứ nhất, đây là thời điểm năm đầu của một kỳ quy hoạch mới. Nhiều ý tưởng quy hoạch, đô thị hạ tầng đã được đưa ra.
Điển hình là Tp.Thủ Đức, biển Cần Giờ và nhiều tuyến giao thông huyết mạch tại Tp.HCM.
Điển hình là tuyến đường sắt cao tốc Tp.HCM – Cần Thơ rút ngắn thời gian di chuyển đi 45 phút; Tp.HCM – Tây Ninh kết nối với Tp.HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (Tp.HCM); Đường sắt Thủ Thiêm – Sân bay Long Thành (Đồng Nai), điểm đầu là ga Thủ Thiêm (Q.2); Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ưu tiên xây dựng tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Tp.HCM – Nha Trang; Tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (Tp.HCM) và cảng Long An.
Thứ hai, Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm đáng kể thu nhập của người dân, và cũng làm suy giảm của giới đầu tư vào sản xuất, du lịch, đặc biệt đất nền với tâm lý của người Việt Nam là "đất sinh ra chứ người không sinh ra", là kênh trú ẩn an toàn nay có thể xuống gia nhưng mai có thể lên giá.
Thứ ba, tín dụng BĐS đang tăng nhanh hơn so với nền kinh tế nói chung.Một vài tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều hơn ở các tài sản liên quan BĐS. Chưa kể, đang có hàng chục ngân hàng đang chạy đua cho vay nhiều ở gói vay tiêu dùng, trong đó cho vay BĐS với lãi suất khá hấp dẫn từ 4,99-10%/năm. Động thái này của các ngân hàng đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào BĐS.
Thứ tư, do giới đầu cơ, cò mồi đất vì trục lợi bất chính đã gây nên nhiễu loạn thông tin, thất thiệt về quy hoạch, pháp lý…tạo nên cơn sốt đất ảo để người người tung tiền vào mua đất.
Rõ ràng để liệt kê các nguyên nhân gây nên sốt đất thì "muôn hình, vạn trạng". Theo L.S Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư Tp.HCM để hạn chế sốt đất cần tiếp tục minh bạch, công khai các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư lớn đã được phê duyệt.
Các cơ quan nhà nước đang nắm giữ thông tin quy hoạch được phê duyệt có trách nhiệm cung cấp cho người dân và người dân được quyền tiếp cận các thông tin này.
Thậm chí, cần xem xét hình sự hóa hành vi thổi giá gây sốt đất ảo thu lợi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng; nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này, dù hiện đã có quy định về tội "Đầu cơ" tại điều 196 Bộ Luật Hình sự 2015.
Cùng quan điểm, ông Dư Huy Quang, Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch, bản đồ,... Tại Tp.HCM, ngoài thông tin trên các trang web còn thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan, sở - ngành.
Người dân cần tiếp cận thông tin đầy đủ, rõ ràng và tỉnh táo trong việc xem xét, đánh giá quyết định đầu tư của mình.
Theo Hạ Vy (Nhịp Sống Kinh Tế)