Ông Nguyễn Đức Hưởng, cựu chủ tịch của LienVietPostBank cho rằng: "Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sốt hơn bao giờ hết vào cuối năm 2021, không còn là thời kỳ trầm lắng như giai đoạn năm 2020".
Theo ông Hưởng thì Covid-19 đã khiến cuốn hộ chiếu Việt Nam có giá hơn rất nhiều, cũng từ đó mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến thị trường Việt Nam nhiều hơn. Ông Hưởng cho biết, nhiều người bạn của ông đang muốn đem tiền đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam. Đồng thời, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng giúp người Việt được hưởng lợi nhiều hơn.
Chung quan điểm với ông Hưởng, theo Công ty Chứng khoán VNDirect, việc điều chỉnh địa giới hành chính ở một số khu vực trong cả nước có thể kéo theo cơn sốt đất cục bộ, dự kiến sẽ khuấy động thị trường bất động sản 2021.
Đơn vị này nhận định, tại TP HCM, sau khi quyết định thành lập thành phố Thủ Đức được thông qua, giá nhà đất ở quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt. Cụ thể ở phường Trường Thọ, tính từ giữa năm 2019 đến nay, giá đất đã tăng khoảng 40% lên tới 70-90 triệu đồng/m2, trong khi trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia dự báo TP Thủ Đức sẽ thành điểm nóng sáng nhất, dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại TP HCM trong thập niên tới. Điều này kéo theo khu Đông tiếp tục là khu vực quyết định trọng điểm các sản phẩm, đặc biệt là mảng căn hộ bao gồm cả sản phẩm cao cấp và hạng sang. "Khu Đông TP HCM sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư và người mua nhà để ở. Dự kiến tại khu vực này, đến năm 2025 sẽ cung cấp ra thị trường 198.000 căn hộ", ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt - Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam.
Cùng với Thủ Đức, những tỉnh vùng ven khu vực phía Đông tại TPHCM cũng được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận sự sôi động. Điển hình như Bình Dương cũng dự báo sẽ xuất hiện đợt sốt đất trong bối cảnh mở rộng 34 khu công nghiệp vào những năm tới. Theo báo cáo của CBRE, tính đến cuối năm 2020, giá căn hộ tại Bình Dương đã đạt xấp xỉ 30-40 triệu/m2, trong khi năm 2018, mức giá là 20-25 triệu/m2.
Tại thị trường phía Bắc, các chuyên gia dự báo cơn sốt đất cục bộ diễn ra tại một số địa phương phát triển nóng BĐS công nghiệp như Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.... Đây là những địa phương đã có dấu hiệu sốt đất thời điểm cuối năm 2020 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2021.
Còn tại Hà Nội, hiện nay do BĐS nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục trầm lắng, các nhà đầu tư đang có xu hướng trở về đánh bắt gần bờ. Chính vì thế, ba khu vực phía Tây, Phía Bắc và Phía Đông của Thủ Đô đang có dấu hiệu tăng nóng trở lại từ cuối năm 2020 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
Cụ thể, khu vực phía Tây chạy dọc từ Hoài Đức đến Hòa Lạc đất nền tăng mạnh, có những khu vực giá đã tăng gấp đôi so với hồi quý 4/2019. Tại nhiều khu đô thị Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Geleximco...giá biệt thự liền kề trên thị trường thứ cấp đã tăng 30% so với hồi đầu năm 2020. Nhiều khu đô thị cũ cách đây hơn 10 năm cũng đang rầm rộ ra tiếp hàng giai đoạn 2. Tình trạng sốt nóng đất khu vực phía Tây còn kéo nhà đất khu vực Hòa Lạc, Hòa Bình tăng nóng theo.
Còn tại khu vực Đông Anh, Gia Lâm giá nhà đất cũng tăng mạnh mẽ. Khảo sát tại một số khu vực khác thuộc huyện Đông Anh như xã Vĩnh Ngọc, xã Nam Hồng, phố Vân Trì, giá đất đang có xu hướng tăng mạnh so với thời điểm giữa năm 2020. Theo đó, giá đất thổ cư ở gần đường lớn dao động trong khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2, giá đất trong thôn - xã có mức giá từ 20 - 30 triệu đồng/m2.
Một điều đặc biệt trong năm 2021, ngoài thị trường BĐS đất nền tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh vùng ven ghi nhận sự tăng giá. Hiện nay, nhiều khu vực đất tại Tây Nguyên cũng đang rục rịch tăng giá. Có thể kể đến như Bảo Lộc, Măng Đen, Tây Ninh...Theo dự báo, năm 2021 nhiều đại gia BĐS cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các dự án lớn tại đây sẽ tiếp tục kéo mặt bằng giá đất tiếp tục tăng.
Mặc dù thừa nhận sức nóng của thị trường bất động sản 2021 và khẳng định BĐS vẫn là một kênh đầu tư nhiều tiềm năng nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo các nhà đầu tư bất động sản cần cẩn trọng nên xác định đầu tư theo một chiến lược dài hơi, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính. Và đặc biệt, nhà đầu tư chỉ nên mua những sản phẩm có tính pháp lý rõ ràng, tránh đu theo cơn sốt theo tâm lý đám đông.
Theo Thanh Ngà (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)