Chơi tiền ảo, mất tiền thật
Một ví dụ thành công được các nhà đầu tư (NĐT) bàn tán và giải thích vì sao nhiều người lại lao vào đầu tư tiền ảo là Bitconnect (BCC) ra mắt lần đầu từ tháng 11.2016 nhưng đến ngày 25.11.2017, đang có giá tham khảo giao dịch trên thị trường 300 USD/coin. Trên sàn tiền ảo thế giới, BCC đang xếp ở vị trí thứ 21 với giá trị vốn hóa đạt gần 630 triệu USD. Mức tăng trên đạt hơn 3.000 lần chỉ sau một năm đã khiến các NĐT trên thế giới bất chấp mọi rủi ro và rót tiền vào các công ty gọi vốn bằng tiền số (ICO).
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, những nhóm NĐT tiền ảo đang bùng nổ với số lượng thành viên tham gia rất lớn.
Ví dụ nhóm Cybermiles Vietnam có 6.113 thành viên, nhóm 1.000BTC Club-ICO có 3.149 thành viên… Thậm chí nhiều NĐT đã tự tổ chức các nhóm, tạo ra các video giới thiệu để mời chào người mới tham gia vào coin để được hưởng hoa hồng từ các sàn giao dịch hoặc từ các công ty thực hiện ICO. Thị trường tiền ảo nóng đến mức nhiều NĐT biết đầu tư này rủi ro nhưng vẫn chấp nhận.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Mới đây, chị Nhã (Nghệ An) liên hệ với chúng tôi với hy vọng lấy lại được gần 300 triệu đồng đầu tư vào Onecoin. Chị cho biết sau khi thua lỗ chứng khoán đã nghe lời bạn bè bỏ tiền vào Onecoin để gỡ. Chị cũng ủy thác Onecoin để được hưởng lãi suất hằng tháng. Thế nhưng, đã hai tháng nay chị không nhận được đồng nào. “Thậm chí giờ không biết cách nào để lấy ra vì chủ sàn giao dịch cứ hứa hoài. Chồng tôi mà biết mất số tiền này thì chắc chết. Mất tiền mà không dám nói với ai vì sợ người ta cười mình lớn rồi mà dại dột”, chị Nhã cho hay.
Tương tự, anh Tú (Vũng Tàu) liên hệ chúng tôi kêu cứu: “Ba em là giáo viên về hưu, nghe lời bạn bè lôi kéo mua Onecoin và giờ đang muốn bỏ thêm nữa. Em đã khuyên can hết lời mà ba vẫn không nghe. Tiền đầu tư cũ thì chưa lấy được, mà vẫn muốn bỏ thêm tiền mới vào”.
Anh Thăng, một NĐT tiền ảo tại TP.HCM, cũng kể đã mua một số Bitcoin (BTC) trị giá 130 triệu đồng và ký gửi vào sàn giao dịch để hưởng lãi hằng tháng. Sau 3 tháng đều đặn nhận được lãi, bỗng một ngày anh và nhiều người khác nhận được tin sàn giao dịch này biến mất. Toàn bộ số BTC của anh không cánh mà bay. Anh đành ngậm đắng nuốt cay vì trót tin tưởng vào lời hứa muốn có lợi nhuận cao gấp hàng trăm lần chỉ sau một thời gian ngắn.
Thỉnh thoảng một loại tiền ảo biến mất
Làn sóng ICO và lending (ủy thác đầu tư tiền ảo) đang cực nóng. Để mua lượng token (mã định danh tham gia ICO) cho đầu tư tiền ảo CyberMiles (CMT), anh Thăng đã chuẩn bị trước đó cả giờ đồng hồ vì sợ hàng triệu lệnh mua tham gia sẽ không mua được, nhất là có nhiều NĐT sử dụng robot đặt lệnh tự động. Ngoài ra, để tham gia việc mua token của CyberMiles, trước đó khoảng 1 tuần, NĐT phải làm thủ tục đăng ký trước và chờ đợi được duyệt tài khoản mất từ 3 - 4 ngày.
Anh Thăng chia sẻ: Cứ 10 công ty thực hiện ICO sẽ có 8 - 9 công ty không thành công và các coin đó sẽ tự động biến mất hoặc không có giá trị. Đó là chưa kể những rủi ro khác như sập sàn, chủ doanh nghiệp huy động xong ôm tiền trốn mất, dự án vẽ ra để huy động vốn là ảo... Vì vậy để hạn chế rủi ro, anh chỉ tham gia một tỷ lệ khoảng 30% trong tổng số vốn đầu tư của mình cho các ICO.
Hiện có khá nhiều sàn giao dịch khác nhau, khi đăng ký, mỗi NĐT sẽ có một ví tiền (E-wallet). Nếu muốn mua tiền ảo, NĐT sẽ nộp tiền từ ngân hàng của mình vào tài khoản chỉ định của sàn này. Còn muốn bán, sau khi có người mua, sàn cũng sẽ chuyển khoản lại bằng tiền đồng từ một tài khoản cá nhân nào đó về tài khoản cho NĐT. Mức phí giao dịch trên các sàn sẽ khác nhau. Tại sàn Remitano.com, phí giao dịch là 1%/tổng số tiền giao dịch cộng với mức phí cố định khi nạp tiền từ ví NĐT vào sàn hay rút tiền từ sàn vào ví là 0,0005 coin. Ngoài ra, còn có nhiều loại phí khác. Ví dụ tham gia ICO, NĐT chịu một mức phí cố định tùy giao dịch từng đồng tiền; muốn tốc độ lệnh mua đi nhanh, phải trả phí cao hơn... Với thực tế này, NĐT có thể mất tiền nhưng các sàn thì luôn sống khỏe từ thu phí. Đó là lý do sàn giao dịch tiền ảo ngày càng mọc ra như nấm.
Theo Mai Phương - Thanh Xuân (Thanh Niên Online)