Dịch bệnh cùng chính sách cách ly xã hội kéo dài trở thành nhân tố thúc đẩy trào lưu "bỏ phố về rừng" làm farmstay. Thế nhưng, cũng chính bởi nhân tố đó mà không ít những chủ farmstay đang phải đứng trước cảnh phải rao bán mảnh đất vườn khi mọi kế hoạch đổ bể vì dịch. Theo ghi nhận của PV, lượng tin đăng tải bán farmstay vì Covid đang gia tăng mạnh.
Mới đây, trên một nhóm mua bán bất động sản, một môi giới T.Q đăng tải thông tin rao bán mảnh đất tại Lương Sơn, Hòa Bình với mức giá chỉ bằng ½ giá rao trước đó. Mảnh đất này được quảng cáo là nơi tập trung rất đông người Hà Nội đến sinh sống với diện tích gần 6000m2, có hồ nước trong xanh, có view đẹp và cơ sở hạ tầng giao thông thông thoáng.
Mức giá hiện tại đang được rao bán là 1,2 triệu đồng/m2. Theo môi giới T.Q, do chính sách cách ly kéo dài hơn dự kiến nên chủ đất phải thay đổi kế hoạch tài chính, cần tiền bán gấp.
Trước đó, một môi giới N.A đăng tải rao bán mảnh đất rộng hơn 1000m2 tại Sóc Sơn (Hà Nội). Trao đổi với môi giới này, hiện tại giá bán mùa Covid-19 được rao với mức 3.5 triệu đồng/m2, mức giá này có thể đàm phán rẻ hơn nếu người mua thiện chí, xử lý nhanh vấn đề tài chính.
"Hồi đầu năm 2021, có khách trả tới hơn 4 tỷ nhưng chủ đất không bán. Họ định giữ để sau về nghỉ dưỡng. Nhưng do dịch bệnh nên gia đình chủ đất gặp một số sự cố về tài chính. Họ phải bán gấp để lấy tiền. Mức giá này còn rẻ hơn so với mức giá mà gia đình này đã mua vào năm 2019", môi giới này cho biết.
Khảo sát trên trang mua bán trao đổi đất vườn, khu farmstay, lượng hàng đang được đẩy ra khá nhiều dưới thông tin: "Cần tiền gấp bán rẻ mùa dịch".
Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại, không ít người quan tâm đặt ra câu hỏi: "Dịch như vậy thì giao dịch sẽ thực hiện như thế nào?" Trả lời câu hỏi này, môi giới T.Q cho biết: "Khách mua sẽ cọc tiền và đợi khi hết giãn cách thì sẽ tiến hành thủ tục sang nhượng".
Theo các chuyên gia, tình trạng cắt lỗ sẽ tiếp tục xảy ra nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, với dịch bệnh như hiện tại, có thể đến quý I hoặc quý II/2022 thị trường mới ổn định lại. Như vậy, những người ôm bất động sản nếu như sử dụng đòn bẩy tài chính tới 50-80% sẽ buộc phải đẩy hàng.
Cũng theo ông Điệp, trên thị trường đang có nhiều loại hình bất động sản đang giảm sức hấp dẫn và giao dịch ở mức thấp. Thị trường ghi nhận rất nhiều đợt sóng bán cắt lỗ kể từ lần bùng dịch thứ 2", ông Điệp nhận định.
Vị chuyên gia này cũng dự báo, làn sóng cắt lỗ vẫn có thể tiếp diễn đến những tháng cuối năm 2021, và có thể kéo dài tới giữa năm 2022 nếu dịch không được kiểm soát, kinh tế không hồi phục và việc di chuyển chưa thuận lợi.
Ông Điệp đặt ra lo ngại, trong những cơn sốt nóng khi thị trường hồi phục vẫn có khả năng xuất hiện sóng cắt lỗ đến từ những nhà đầu tư theo đám đông, tâm lý bầy đàn, dùng đòn bẩy ngân hàng để lướt sóng.
Tuy nhiên, theo một vị chuyên gia khác đến từ Hà Nội, ngay cả việc không sử dụng đòn bẩy tài chính, chủ farmstay tiếp tục đẩy hàng là lẽ thường tình. Bởi dịch bệnh có thể làm đảo lộn nguồn thu của một số gia đình.
Vì cần tiền chi trả sinh hoạt hàng ngày, họ buộc phải bán tài sản không thiết yếu. Nhất là đối với mặt hàng như farmstay, nếu chủ đất mua dự tính nghỉ dưỡng nhưng nhìn xa hơn, nhu cầu đó phải hoãn lại có thể tới tận năm 2022.
Trong khi đó, họ đang cần tiền. Họ không có nhu cầu đợi tăng giá. Họ chấp nhận bán lỗ để thu tiền về chi trả sinh hoạt phí trong gia đình.
Ngoài ra, nhiều chủ farmstay có thể đã mua đất với dự tính xây dựng căn nhà thứ 2 ven đô. Nhưng sau khi phân tích, họ nhận ra, để đầu tư như vậy rất tốn kém, không phù hợp với tài chính và nhu cầu lâu dài của bản thân. Họ sẽ bán ra theo đúng nghĩa "Chán thì bán". Trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại, họ buộc phải hạ giá để nhanh chóng chuyển nhượng sản phẩm.
Theo Hải Nam (Nhịp Sống Kinh Tế)