Không khắc phục được, nhà máy đóng cửa, gần 3.000 tỉ đồng nợ ngân hàng bị kiện ra tòa vẫn khó đòi. Theo điều tra riêng của PV Báo Lao Động, hiện, Soda Chu Lai còn nợ cả tiền thuê đất, tiền điện, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm, nợ thuế VAT hàng chục tỉ đồng. Sau hơn 1 năm tìm giải pháp khắc phục, nhưng gần như đang bế tắc.
Gã khổng lồ “tay không bắt giặc”
Như Báo Lao Động từng thông tin, Soda Chu Lai (100% vốn tư nhân, Cty CP Sản xuất Soda Chu Lai) được xem là dự án trọng điểm tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) thời điểm năm 2009. Khi nhu cầu nguyên liệu soda phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong nước cả triệu tấn mỗi năm, lại phải hoàn toàn nhập khẩu, thì Soda Chu Lai là nhà máy đầu tiên ở VN sản xuất soda với công suất 200 ngàn tấn/năm được đánh giá đầy tiềm năng, hứa hẹn tháng 2.2012 hoạt động, giải quyết hơn 500 lao động, đóng ngân sách hơn 60 tỉ đồng/năm. Nhưng, khi xây dựng đã chậm tiến độ hơn 3 năm, đến đầu 2016 vừa hoạt động vài tháng thì nhà máy do nhà thầu Trung Quốc thi công, nhập thiết bị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa.
Khi Soda Chu Lai ngưng hoạt động, thì mới hay “gã khổng lồ” hàng ngàn tỉ đồng này đã “tay không bắt giặc”. Trong khi tổng đầu tư của dự án (theo giấy phép) chỉ hơn 2.000 tỉ đồng, thì Ngân hàng Agribank đã dốc hầu bao từ 5 chi nhánh trên toàn quốc gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang để cho dự án này vay hơn 1.600 tỉ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng VN - PVcomBank cũng góp thêm 400 tỉ đồng cho dự án.
Toàn bộ thiết bị tại Soda Chu Lai đều do Tổng thầu EPC - Cty TNHH công trình Thiên Thần, Trung Quốc cung cấp theo hợp đồng trọn gói. Dù dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường - DTM do Bộ TNMT phê duyệt, tuy nhiên, thực tế, nhiều hạng mục quan trọng như mương thoát nước, bể chứa, kho lưu trữ hóa chất độc hại lại không được thi công đảm bảo. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhà máy mới hoạt động đã gây thảm họa môi trường, nhân dân phản ứng nhiều lần.
Dính nợ xấu mới đi thẩm định
Đến nay, tỉnh Quảng Nam chưa thu được gì từ nhà máy ngàn tỉ đầy hứa hẹn này. Khi gây ô nhiễm, chính quyền, Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT - vào thanh tra, kết luận hệ thống xử lý thải không đảm bảo, xử phạt đến 730 triệu đồng. Tuy vậy, Soda Chu Lai đã không thể khắc phục hoàn toàn ô nhiễm, buộc đóng cửa từ tháng 8.2016. Nhưng ngay cả tiền phạt này Soda Chu Lai vẫn không đóng cho ngân sách.
Theo điều tra của PV Báo Lao Động, Cty chưa hoạt động, bán hàng nên chưa phát sinh thuế. Nhưng ngay thuế giá trị gia tăng khi nhập thiết bị về (khoảng 36 tỉ đồng), thì Soda Chu Lai vẫn không nộp, dẫn đến tiền nợ thuế, lẫn phạt chậm nợ thuế trên 40 tỉ đồng. Hơn 500 công nhân chưa kịp vui mừng vì có việc tại quê nhà ở thời điểm tháng 6.2016, thì đến tháng 1.2017 bị cho nghỉ hàng loạt, chỉ còn 100 người. Và Cty nợ lương công nhân lên đến 6,4 tỉ đồng. Ngành LĐTBXH đã nhiều nỗ lực, nhưng bất thành việc đòi nợ hộ công nhân. Ngay BHXH của Quảng Nam cũng chưa thu của Cty Soda Chu Lai được đồng nào.
Chưa hết, trong chừng đó năm xây dựng, hoạt động, tiêu tốn 7,85 tỉ đồng tiền điện, nhưng Cty này vẫn treo nợ ở điện lực huyện Núi Thành. Ngay mảnh đất 34ha, thuê của Quảng Nam, Cty này cũng để nợ 45/54 tỉ đồng phải trả cho nhà nước. Nghiêm trọng nhất vẫn là nợ hàng ngàn tỉ đồng của ngân hàng. Đến nay, các ngân hàng đã đâm đơn ra tòa, kiện Soda Chu Lai để đòi nợ, song mọi nỗ lực lấy lại tiền đang rất khó khăn. Hiện, tổng nợ Soda Chu Lai với Agribank là hơn 2.011 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2017) và nợ PvcomBank hơn 856 tỉ đồng.
Điều khó hiểu là, tại sao các ngân hàng lại dễ dãi cho vay gần như toàn bộ số vốn mà dự án này dự kiến đầu tư? Cho đến nay, khi không đòi được nợ thì Agribank mới tổ chức đoàn sang tận Trung Quốc cùng chủ đầu tư để tìm hiểu công nghệ, máy móc sản xuất soda, tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư khác từ Trung Quốc với mong muốn sớm bán nhà máy, bán cổ phần để thu nợ.
Theo Thanh Hải (Lao Động)