Giá đất mà cơ quan chức năng đưa ra khác xa với thị trường, nhiều người nhìn qua không khỏi bất bình
Thực tế trên trời, quy định dưới đất
Cụ thể, ở quận 2 có 7 tuyến đường điều chỉnh, giá dao động từ 5,2 triệu đến 15 triệu đồng/m2. Tương tự, quận Gò Vấp có 3 tuyến đường điều chỉnh, trong đó đường Nguyễn Thái Sơn - con đường nằm trung tâm của quận này - chỉ có giá từ 11,8 triệu đến 20 triệu đồng/m2. Còn ở quận Phú Nhuận, đường Hồng Hà giá thẩm định khá bèo bọt, chỉ từ 16 triệu đến 18 triệu đồng/m2. Hay như đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, giá đền bù từ 2,4 triệu đến 4,2 triệu đồng/m2...
Mang bảng giá này đến gặp các hộ dân sinh sống ở những tuyến đường vừa được điều chỉnh giá, ai cũng bất ngờ. Bà Phạm Thị Phú (nhà ở đường Hòa Hảo, phường 5, quận 10) cho biết nhà bà có diện tích 47 m2 và vừa rồi có người hỏi mua giá 8,8 tỉ đồng, tức gần 190 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá điều chỉnh chỉ có 23,4 triệu đồng/m2. "Nếu chẳng may đường Hòa Hảo mở rộng thì đồng nghĩa với việc chúng tôi chỉ nhận được tiền đền bù cho mỗi m2 chưa bằng 1/7 giá thị trường. Quy định vậy thì ai chịu?" - bà Phú băn khoăn.
Giá đất mới điều chỉnh ở đường Hòa Hảo (phường 5, quận 10) khiến người dân nơi đây bất bình Ảnh: LÊ PHONG |
Khi biết giá đất mới được điều chỉnh ở đường Kênh 19-5, quận Tân Phú, anh Nguyễn Văn L., có nhà mặt tiền nơi đây, muốn... té ngửa! "8,4 triệu đồng/m2 thì đừng có mơ rớ vào đất mặt tiền ở đường Kênh 19-5. Giá giao dịch hiện tại đã trên 50 triệu đồng/m2!" - anh L. nói. Theo anh, rõ ràng giá nhà nước đưa ra quá thấp. Nếu giả sử khu đất nhà anh được quy hoạch làm dự án thì chắc chắn người dân nơi đây sẽ thiệt thòi và khó lòng chấp nhận.
Nhiều kiến nghị sát sườn
Một lãnh đạo UBND quận Bình Tân nhìn nhận quy định khung giá đất thấp hơn thị trường dẫn đến việc giải tỏa, mở rộng đường gặp rất nhiều khó khăn. "Hễ giải tỏa đến đâu là gặp khiếu kiện đến đó. Bà con kiện là đúng bởi giá đền bù để giải tỏa thấp. Chính quyền địa phương chỉ theo quy định mà làm nên thiệt thòi nhất vẫn là người dân" - vị lãnh đạo quận Bình Tân nhìn nhận.
Trả lời thắc mắc giá đất chính quyền đưa ra thấp hơn giá trị thực tế rất nhiều lần, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP phân tích việc đưa ra giá đất từng khu vực và từng tuyến đường dựa trên Luật Đất đai 2013 do Chính phủ ban hành. Trong đó nêu rõ nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. UBND cấp tỉnh chỉ được điều chỉnh mức không quá 30% quy định. Vì lẽ đó, nếu muốn điều chỉnh cao theo thị trường thì chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định theo thẩm quyền. "Nhìn chung, ở TP HCM giá đất quy định thấp hơn thực tế từ 30%-50% giá thị trường và có nhiều bất cập trong cơ chế thẩm định khung giá đất" - vị cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP thừa nhận.
Sự bất cập này cũng đã từng được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có ít nhất 2 văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản hồi tháng 4-2017, HoREA phân tích lâu nay, việc tính giá đất đều do Chính phủ ban hành và không phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương, đặc biệt tại TP HCM. Mặc dù trong đó có một số điều chỉnh nhất định như áp dụng hệ số điều chỉnh (hay còn gọi hệ số K), chia theo từng khu vực và tuyến đường... Tuy nhiên, vẫn không phù hợp giá đất phổ biến trên thị trường. Giải pháp mà HoREA đưa ra là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai và không ban hành khung giá đất mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm và quyết định ban hành bảng giá đất, để bảo đảm thực hiện nguyên tắc phù hợp biến động thị trường.
Chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản - ông Trần Khánh Quang - cho rằng bảng giá đất có ý nghĩa chủ yếu dùng để áp dụng trong các việc liên quan đến đóng thuế, phí, giá thuê đất, đền bù... Tuy nhiên, giá đất ở các thời điểm của những năm trước đã khá thấp so với thị trường với mức chỉ bằng 30%-40%; rồi chưa kể từ thời điểm đó đến nay, giá đất tăng cũng khá nhiều nhưng nếu áp giá mới chỉ tăng nhẹ 20%-25% thì không hợp lý. Bên cạnh đó, với việc áp dụng hệ số K thì ý nghĩa của nó cũng không nhiều bởi mức cao nhất của hệ số K cũng chỉ hơn 3 lần nên việc áp giá đất đôi khi không có ý nghĩa. "Từ đây, tôi nhận thấy nhiều lúc người dân bức xúc vì không có cơ sở nào để định giá đền bù cả. Vì vậy, khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án, giải tỏa đền bù... thì rất dễ gây bức xúc cho người dân" - ông Quang nhìn nhận.
Theo Lê Phong - Sơn Nhung (Nld.com.vn)