Bỏ hoang nhiều năm, giảm giá nhiều lần song hàng loạt toà nhà rao bán vẫn chưa có người mua.
Khối tài sản lãng quên, bỏ hoang cuối làng bỗng dưng được giáTháp tài chính trăm tầng bỏ hoang, giấc mơ ngàn tỷ đổ vỡ
Đua nhau rao bán
Theo JLL, M&A bất động sản 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự chững lại về số lượng. Điều này được lý giải từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trong khi đó, hoạt động rao bán ngày càng nhiều.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tạm tính đến 29/3/2020) là hơn 4.063 tỷ đồng.
Dự án Kenton Residences do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có diện tích 9,1ha, gồm 9 tòa tháp cao từ 15-35 tầng, 1.640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm 20.000 m2. Tổng vốn đầu tư là 300 triệu USD.
Dự án được khởi công năm 2009, song đến năm 2011 toàn bộ công trình đã ngừng thi công. Năm 2017, Kenton Residences được tái khởi động, đổi tên thành Kenton Node và được điều chỉnh lại quy hoạch.
Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định cũng phát đi thông báo phát mãi 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (quận 7, TP.HCM) do Công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư. Giá bán khởi điểm dao động từ 2,188-5,4 tỷ đồng/căn, diện tích từ 135,98 m2 đến 368,45 m2. Như vậy, bình quân giá bán chỉ từ 15-16 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Đây là lần thứ ba BIDV rao bán căn hộ tại tại chung cư Kỷ Nguyên. Đợt chào bán đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2019 gồm 27 căn và BIDV chỉ bán được 1 căn.
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng ồ ạt rao bán hàng loạt bất động sản để thu hồi nợ. Ngân hàng VietinBank thông bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center 3,23 ha, giá khởi điểm là 190 tỷ đồng.
Trên website của mình, Ngân hàng SCB cũng rao bán trực tiếp 10 tài sản là BĐS có giá trị thấp nhất từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Trong số này, một tài sản được SCB rao bán với giá 830 tỷ đồng là kho Phước Sơn tại thị xã Thuận An (Bình Dương). Các tài sản khác là nhà ở dân cư và quyền sử dụng đất cũng được SCB rao bán với giá từ 2,2 tỷ đến 10 tỷ đồng.
Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, việc bán đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng thương mại gần đây diễn ra khá nhiều, trong khi trước đó, tài sản thế chấp là bất động sản được xử lý qua nhiều kênh, nhiều cách khác nhau chứ không chỉ chủ yếu đem phát mại như hiện nay.
"Đây có thể xem là cơ hội cho người muốn săn lùng tài sản với giá tốt. Xét về góc độ người mua, khi đã chọn phải chú ý tính pháp lý, đồng thuận của chủ tài sản, pháp lý quyền mua, quyền bán của ngân hàng. Nếu không chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng kiện tụng kéo dài”, ông Hiển lưu ý.
Giảm giá vẫn ế
Mặc dù giảm giá nhưng nhiều tài sản rao bán vẫn chưa thành công. Đơn cử, tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Nhà Hưng Ngân sau 4 lần bán đấu giá, mức giá giảm hàng chục phần trăm so với mức chào bán lần đầu, vẫn không tìm được người mua. Trong lần tổ chức bán đấu giá mới nhất, BIDV rao bán khoản nợ với giá chào bán khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán đã giảm gần 24%.
Số lượng giao dịch M&A vào phân khúc nhà ở có phần chậm lại trong năm nay chủ yếu do tác động của Covid-19, quá trình rà soát các dự án bất động sản kéo dài nhiều năm cùng với việc kiểm soát chất lượng tín dụng vào bất động sản.
Đại diện JLL cho rằng, đại dịch Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp bất động sản. Khác với những năm đỉnh điểm, nhìn chung sẽ có một số doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn về tính thanh khoản của thị trường.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, giai đoạn 2011-2012, các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam là chủ yếu là “săn xác chết”, tìm cơ hội thâu tóm, mua lại. “Khẩu vị” của họ ở giai đoạn này khi quyết định mua lại một dự án nào đó thường kỳ vọng tỷ suất sinh lời dao động từ 8-10%.
"Còn với năm 2020 những dự án có tỷ suất sinh lời khoảng 5% cũng đang được tìm kiếm mua rất nhiều. Từ 3-5 năm sau họ chuyển nhượng lại sẽ thu lãi", ông Khương nói.
Nguyên nhân là do nhóm bất động sản tạo ra dòng tiền như các tòa nhà đang hoạt động, khách sạn, khu trung tâm thương mại, bán lẻ,... bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, xét cả về doanh thu và chi phí.
Theo JLL, chi phí sử dụng vốn của các chủ đầu tư Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng nhằm bù đắp cho phần bù rủi ro hơn trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Rất nhiều DN bất động sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thương mại, mặc dù lãi suất cho vay giảm do không đáp ứng được điều kiện vay.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ thận trọng hơn trong việc rót vốn. Mua bán và sáp nhập không phải là cách duy nhất để phát triển doanh nghiệp vì có nhiều lựa chọn thay thế nhằm khai thác các nguồn vốn lớn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch để sẵn sàng tham gia vào thị trường vốn đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức.
Từ việc cải thiện hơn nữa tính minh bạch và công khai danh mục tài sản bao gồm những tài sản tốt, hiệu quả đầu tư cao, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía ngân hàng và sự linh hoạt hơn từ phía nhà đầu tư, JLL nhận định, thời gian tới sẽ có nhiều giao dịch xảy ra hơn thông qua kênh đầu tư này.
Theo Duy Anh (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/o-at-rao-khoi-tai-san-nghin-ty-giam-gia-van-e-692635.html