Số phận của những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán hiện ra sao?

14/02/2023 10:58:48

Nhiều cổ phiếu từng làm mưa làm gió một thời vì mức giá không tưởng thì hiện nay đã trở thành dĩ vãng. Thị trường chứng khoán điều chỉnh, phát hành thêm cổ phiếu, phân chia cổ tức... đã khiến những mã này giảm tính bằng lần.

Số phận của những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán hiện ra sao?
Ngoài VNZ, sàn chứng khoán Việt Nam từng ghi nhận nhiều cái tên đắt đỏ như BMC, SJS, FPT, BVS, DHG, SD7, S99, HRC... Ảnh: Đức Mạnh

Sau 9 phiên liên tiếp vươn kịch trần, đều đặn mỗi phiên có thêm 15%, VNZ đã chạm mức 1.027.400 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam vượt thị giá trên 1 triệu đồng/cổ phiếu. Như vậy, để mua được 100 cổ phiếu VNZ, hiện nhà đầu tư phải trả tới 102.740.000 đồng.

Việc cổ phiếu VNZ đạt mốc kỷ lục đã giúp giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - CEO VNG vươn lên xấp xỉ ngưỡng 3.600 tỉ đồng.

Sự kiện này cũng đã đánh dấu việc VNZ phá kỷ lục của cổ phiếu BMC. Cụ thể, cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Bình Định niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2006 với số lượng hơn 1,3 triệu đơn vị.

Số phận của những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán hiện ra sao? - 1
Diễn biến của cổ phiếu BMC. Ảnh: fireant

Hưởng lợi từ thị trường đang trong xu hướng tăng nên BMC gặt hái được chuỗi bứt phá kéo dài. Từ mức chào sàn 50.000 đồng/cổ phiếu, BMC chạm đỉnh 847.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21.5.2007.

Tuy nhiên áp lực chốt lời mau chóng ập tới, cộng với thị trường chung suy yếu, BMC đánh thủng mốc 100.000 đồng vào 6.5.2008. Cứ thế tính đến nay, mã này chỉ còn dao động quanh 13.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh không quá nổi bật nhưng BMC từ khi lên sàn chưa bao giờ báo lỗ và chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cho cổ đông.

Cái tên đắt đỏ tiếp theo là cổ phiếu SJS của của CTCP Đầu tư phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, SJS chào sàn vào tháng 7.2006 với thị giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong 6 tháng sau, dự án khu đô thị The Manor tại Mỹ Đình đã tạo động lực đẩy SJS chạm mốc 728.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên sau đó Sudico tăng vốn gấp 4 lần, từ 50 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Thị giá SJS sau đó cũng được điều chỉnh về giá 190.000 đồng/cổ phiếu rồi liên tục biến động mạnh trên nền giá cao.

Số phận của những cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán hiện ra sao? - 2
Diễn biến của cổ phiếu SJS. Ảnh: fireant

Sudico tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 400 tỉ đồng vào tháng 5.2007 rồi lên 1.000 tỉ đồng vào cuối năm 2009 bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Giá SJS điều chỉnh một mạch về 70.500 đồng/cổ phiếu rồi 20.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2012. Hiện SJC đang được giao dịch ở giá 45.800 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu FPT của của Tập đoàn FPT cũng từng làm mưa làm gió khi lập đỉnh ở mức 665.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 27.2.2007. Từ đó đến nay, sau khi liên tục chia tách trả cổ tức, thưởng cổ phiếu và diễn biến thị trường, thị giá FPT lui dần về mức 80.700 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay trên thị trường chứng khoán, ngoài VNZ thì những cái tên theo sau chỉ có giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu như VCF của Vinacafe Biên Hòa và HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long.

(So sánh trên chỉ mang tính tham khảo vì vốn hoá và lượng cổ phiếu lưu hành khác nhau tại mỗi thời điểm).

Theo Đức Mạnh (Lao Động)