DongABank có thời gian để tìm kiếm đối tác chiến lược khắc phục những tổn thất tài chính |
Sau khi ông Bình bị bắt, DongABank đã gửi thông tin đến cổ đông và khách hàng về một số kết quả đạt được trong hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, tỷ lệ dự trữ thanh khoản hiện tại là 20% (so với quy định của NHNN là 10%); Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VND là 82% (so với quy định của NHNN là 50%); Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với các loại ngoại tệ qui USD là 106% (so với quy định là 10%).
DongABank cho biết, 11 tháng đầu năm 2016 nguồn vốn huy động của ngân hàng tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015; Dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng trở lại từ tháng 8.2016 đến nay. Số lượng khách hàng DongABank đang phục vụ là hơn 7 triệu.
Về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13.8.2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến 30.11.2016, DongABank đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ông Kiên nhìn nhận sự việc ông Bình bị bắt là một bài học lớn cho người đứng đầu ngân hàng về những sai phạm cá nhân.
Ông Kiên cho biết, với quyết tâm của Chính phủ trong 2 năm tới sẽ xử lý xong nợ xấu thì DongABank cũng có cơ hội, đó là được quyền tìm kiếm đối tác chiến lược để khắc phục tình hình tài chính. Còn trong trường hợp bất khả kháng, NHNN có thể mua 0 đồng hoặc cho phá sản.
“Dù chọn giải pháp nào thì Chính phủ và NHNN cũng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ngươi gửi tiền tại DongABank. Nhà nước vẫn thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình trong việc thực hiện giám sát thị trường nói chung, tiền tệ nói riêng”, ông Kiên nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội thảo “Quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Nguyễn Trọng Long, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - C46 (Bộ Công an), cũng đã nhắc đến khả năng bị mua 0 đồng của DongABank nếu như nợ xấu không thể xử lý được.
Vì đâu nên nỗi?
Thông tin ban đầu, ông Bình bị bắt vì liên quan đến các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ hơn 2.000 tỷ đồng cho DongABank, mà nguyên nhân là do vàng.
DongABank từng là một trong những NHTM cổ phần dẫn đầu trong chiến dịch kinh doanh vàng ngày ấy. Nhờ sự hậu thuẫn của cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) (sở hữu 7,7% vốn điều lệ) do bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình) làm Chủ tịch HĐQT, DongABank đã lọt vào top 5 ngân hàng được tham gia kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Ngoài ra, DongABank còn làm ra máy ATM có chức năng bán vàng tự động.
Chính vì được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài mà DongABank đã phải nếm mùi cay đắng khi giá vàng quốc tế quay đầu lao dốc. Từ cuối năm 2012, trong khi giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.656,3 USD/oz, thì trong nước kim loại này được bán với giá chênh thêm 5 triệu đồng/lượng.
Cuối năm 2013, giá vàng đã giảm một mạch gần 12 triệu đồng/lượng, về mức 34,25-34,75 triệu đồng/lượng. Như vậy, những ngân hàng đầu tư kinh doanh vàng từ đầu năm 2013 thì đến cuối năm đã lỗ gần 25%.
Đầu tư lớn nhưng không hiệu quả cho kinh doanh vàng, hoạt động của DongABank cũng đi xuống. Báo cáo tài chính năm 2011, 2012, 2013 cho thấy hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng tài khoản chi nhiều nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Năm 2011, DongABank chi 396,3 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh vàng nhưng bị thua lỗ 27,8 tỷ đồng.
Năm 2012, DongABank chi tới 600 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh vàng, trong đó, chi phí về kinh doanh ngoại tệ giao ngày là 124,8 tỷ đồng nhưng thu chỉ được 65,9 tỷ đồng. Còn kinh doanh vàng, chi phí lên tới 458,6 tỷ đồng nhưng thu chỉ được 385 tỷ đồng. Kết quả, năm này hoạt động kinh doanh vàng của DongABank đã bị lỗ tới 137 tỷ đồng.
Một chỉ số khác, đó là lãi dự thu. Chỉ trong 4 năm, lãi dự thu của DongABank tăng từ hơn 1.000 tỷ đồng năm 2011 lên hơn 5.000 tỷ đồng năm 2014. Cùng với đó là lợi nhuận sụt giảm từ hơn 1.000 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 35 tỷ đồng trong năm 2014.
Tuy vậy, DongABank vẫn còn cơ hội là tìm đối tác chiến lược, với điều kiện có nhà đầu tư chấp nhận chi tiền?
Theo Trần Giang (Dân Việt)