Có gây khó khi mua bán, chuyển nhượng?
Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ. Đây là một trong những điểm mới nhằm loại bỏ tình trạng người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, sau đó các thành viên khác trong gia đình không đồng ý, dẫn tới tranh chấp; hạn chế tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản, lo ngại rằng, điều này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khi thực hiện giao dịch bất động sản. Nhiều trường hợp sẽ lợi dụng để gây khó dễ.
Ông Quỳnh lấy dẫn chứng, nhiều trường hợp mua đất dịch vụ khi chưa có sổ đỏ. Tới khi nhận đất và làm sổ đỏ phải liên lạc với người chủ cũ. Không ít chủ cũ đã “trở mặt”, đòi tăng giá hoặc phải nhờ can thiệp mới giải quyết xong.
"Tài sản của cha mẹ mất đi sẽ phát sinh thừa kế cho con cái, do vậy không nên ghi tên trong sổ đỏ. Việc thêm các thành viên khác vào chỉ làm phát sinh thêm thủ tục nhiêu khê, phiền hà và hạn chế quyền sử dụng của cha mẹ", ông Quỳnh nói.
Tuy nhiên, ủng hộ quy định trên, ông Nguyễn Thành Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ để đảm bảo công bằng cho những người trong gia đình. Không ít trường hợp tự ý bán nhà, phát sinh nhiều tranh chấp khiếu kiện kéo dài.
“Những ai có quyền sử dụng đất/quyền sở hữu tài sản sẽ đều có tên trên Giấy chứng nhận chứ không chỉ là người đại diện nữa. Điều này tăng tính pháp lý, giảm những tranh chấp hay kiện tụng khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà nhiều thành viên trong gia đình cùng là chủ sử dụng”, ông Nam cho hay.
Song, điều ông Nam lo lắng, liệu các sổ đỏ đã làm trước đó, chỉ đứng tên một người trong gia đình thì sao, có bắt buộc đổi sang sổ mới theo quy định của Thông tư mới?
Chỉ áp dụng với giao đất hộ gia đình
Liên quan tới vấn đề này, luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc công ty luật IB Legal Việt Nam, giải thích, quy định chỉ áp dụng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà trong đó con là thành viên. Trường hợp này khác với cấp đất cho cá nhân.
"Đất cấp cho hộ gia đình là cấp cho nhiều người, là thành viên của hộ. Các thành viên này đồng sử dụng khu đất nên có quyền ngang nhau. Cần lưu ý rằng, quy định sửa đổi, bổ sung này không làm thay đổi chế định về việc sử dụng đất của hộ gia đình", ông Thoại cho biết.
Quy định này chỉ nhằm làm rõ và ghi nhận những ai là chủ thể cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản để nhằm bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc ghi nhận đó cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ gia đình khi xác lập các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất do không cần phải thực hiện các thủ tục để chứng minh những trong hộ gia đình là người được quyền cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản.
Theo ông Thoại, trước nay, người dân hay nhầm lẫn giữa hộ gia đình (sử dụng đất) và sổ hộ khẩu. Có thể những thành viên của hộ gia đình cùng sử dụng đất không cùng chung hộ khẩu và ngược lại, các cá nhân chung hộ khẩu chưa hẳn là những thành viên của hộ gia đình sử dụng đất, nên quy định mới tại Thông tư 33/2017 sẽ làm rõ hơn vấn đề này, tránh sự nhầm lẫn như quan niệm của người dân trước đây.
Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình là tài sản chung của hộ gia đình đó nên việc ghi nhận tên tất cả các thành viên có cùng quyền sử dụng đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp lý.
Trả lời báo chí, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu nói để xóa bỏ tình trạng lừa đảo thì chúng ta phải làm hồ sơ quản lý chặt chẽ và mở cửa rộng để người dân có thể được giải đáp những thắc mắc chứ không phải viết “lằng nhằng” thêm vào sổ đỏ với hy vọng sẽ loại trừ được những trường hợp mang tính lừa đảo.
Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Tuần tới, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) sẽ có cuộc họp hướng dẫn với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội. Sau đó, mọi thắc mắc tương tự như trên mới được hướng dẫn giải đáp.
Theo Duy Anh (VietNamNet)