Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2015, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 17 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với số tiền xử phạt lên tới 1.561,4 tỷ đồng. Đa số các vi phạm là tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trong đó, có doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị phạt 180 triệu đồng (tháng 1/2015) do bán thực phẩm chức năng không phù hợp quy định an toàn thực phẩm và bị yêu cầu phải tái xuất hơn 2 tỷ đồng hàng hóa. Có doanh nghiệp bị phạt tới 170 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hơn 60 triệu đồng giá trị hàng do nước ngoài sản xuất nhưng không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Các sản phẩm này bao gồm hàng nhập lậu, sản phẩm dùng để hỗ trợ chữa bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Nhiều công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo (ảnh: Minh hoạ) |
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp khác bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng chủ yếu do sai phạm do bán hàng đa cấp khi chưa có giấy phép hoặc không ghi nhãn hàng hóa. Một số kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng bị xử phạt.
Trong ngày 4/5/2016, Sở Công Thương Hà Nội cũng ban hành văn bản yêu cầu 3 công ty bán hàng đa cấp thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Công Thương, gồm: Công ty cổ phần sản xuất thương mại Con Đường Việt; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và thương mại Quốc tế TNC, Công ty cổ phần New Power Việt Nam. Đồng thời, Sở Công Thương cũng cung cấp số điện thoại nóng tiếp nhận thông tin về dấu hiệu vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố.
Để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, trục lợi,… Sở Công thương Hà Nội đưa ra một số dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp đề nghị Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội tuyên truyền đến người dân.
Đáng lưu ý, trong công văn này, Sở Công Thương cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với người dân, gây mất ổn định trật tự xã hội. Hoạt động thanh kiểm tra giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn trong suốt năm 2015 và quý I/2016 cho thấy 100% các công ty có vi phạm hành chính, nhiều công ty có dấu hiệu lừa đảo.
Những dấu hiệu đa cấp lừa đảo, biến tướng
Về các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Sở Công Thương chỉ ra rằng, nhiều công ty bán hàng đa cấp chào mời người tham gia đầu tư, nộp tiền tham gia và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, rồi yêu cầu lôi kéo những người khác tham gia để hưởng hoa hồng.
Bên cạnh đó, còn có các dấu hiệu như bán hàng đa cấp nhưng không có hàng, mua hàng nhưng không xuất hàng cho người mua mà khuyến khích người mua gửi hàng tại kho khi nào bán được thì đến lấy… Hoặc đẩy giá bán của hàng hoá cho người tham gia lên quá cao so với giá thành mua vào (có thể gấp vài chục lần đến trăm lần), thổi phồng các công dụng của sản phẩm, tư vấn để người dân mua số lượng hàng hoá vượt khả năng tiêu thụ để lên cấp “phó phòng kinh doanh” hay “trưởng phòng kinh doanh”…
Sở Công Thương Hà Nội cũng thừa nhận, hiện nay chưa có giải pháp quản lý hiệu quả để kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo, trục lợi. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp hạn chế đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn nhằm tránh những biến tướng, lừa đảo.
Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bằng việc kiểm tra hành chính Nhà nước của cơ quan này chưa thể tìm ra các căn cứ pháp lý chứng minh dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp. Hơn nữa, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về bán hàng đa cấp nên bị các doanh nghiệp lợi dụng.
Ngoài ra, theo Sở Công Thương, do cách suy nghĩ của người dân và môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa hoàn toàn phù hợp với hoạt động bán hàng đa cấp nên đã xảy ra nhiều hiện tượng biến tướng, lừa đảo, người dân rơi vào "thảm cảnh" bị thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, cơ quan này đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) dừng cấp phép mới Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của doanh nghiệp đang hoạt động.
Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Công an vào cuộc điều tra, xác minh đối với các dấu hiệu lừa đảo người dân dựa trên phương thức bán hàng đa cấp của tất cả các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam và công bố kết quả xử lý vi phạm để cảnh tỉnh người dân.
Ngoài ra, Sở cũng có văn bản gửi một số cơ quan, ban ngành nhằm giám sát, kiểm tra đối với những đơn vị lợi dụng mô hình kinh doanh này để huy động tài chính . Sở cũng công bố danh sách 54 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn để người dân nắm bắt.
Theo Phương Dung (Dân Trí)