Một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng.
Những ngày qua, Công ty SJC đã tạm ngưng mua vào vàng miếng SJC một chữ, vàng móp méo không đủ tiêu chuẩn lưu thông khiến các tiệm vàng thương hiệu vàng lớn cũng từ chối thu mua lại hoặc có mua thì cũng thu phí rất cao.
Vàng SJC bên trái là hai chữ và bên phải là một chữ.
Trước đó, trả lời trên báo chí, đại diện SJC giải thích rằng, về chất lượng loại vàng miếng một chữ không khác so với vàng miếng hai chữ nhưng thường bị thị trường từ chối, lượng vàng miếng mua vào của SJC tồn kho lớn, gây mất cân đối vốn và có khả năng dẫn đến nhiều rủi ro nên họ ngừng mua vào. Còn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, SJC đã sử dụng hết hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo.
Trao đổi với Đất Việt về hiện tượng này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, cách làm ăn như vậy rất tùy tiện, gây khó cho người giữ vàng.
"Chất lượng vàng không căn cứ vào chuyện méo hay không méo, một chữ hay hai chữ mà căn cứ vào tuổi vàng. Ở các nước có rất nhiều thương hiệu vàng nhưng Việt Nam độc quyền một thương hiệu, như vậy là gây khó dễ cho khách hàng, không nước nào làm như vậy.
Chưa kể việc quy định hạn mức gia công vàng là vô lý vì đã cho sản xuất vàng thì vàng đó bây giờ vẫn có giá trị, bây giờ người ta chỉ hoàn thiện lại mà thôi chứ không hề làm tăng lên sản lượng. Cho nên quy định hạn mức chính là tạo áp lực, gây khó dễ cho người giữ vàng bị móp méo để hạ giá vàng kiếm lợi", PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Vị chuyên gia nói thêm, cách quản lý vàng ở đây rõ ràng có sự tiền hậu bất nhất, tạo áp lực người có vàng móp méo phải bán rẻ. Nhưng sự thực vàng tính theo tuổi chứ không phải tròn hay méo.
"Cách làm ăn tùy tiện, ba chìm bảy nổi gây khó dễ cho người có vàng là không văn minh trong kinh tế thị trường", ông thẳng thắn.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả cũng cho hay, các nước quản lý thị trường vàng hoàn toàn khác Việt Nam. Họ có nhiều thương hiệu, chất lượng vàng căn cứ vào tuổi. Còn Việt Nam một mình một chợ, không theo thông lệ quốc tế.
"Giá vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới, Việt Nam không sản xuất được vàng, chủ yếu là phải đi nhập. Vừa rồi cơ quan quản lý nói năm 2015 giữ được thị trường vàng ổn định. Thế nhưng thực ra giá vàng trong nước luôn luôn không theo sát giá vàng thế giới, hiện nay chênh lệch khoảng 3 triệu, như vậy là người dân Việt Nam bị thiệt".
Cũng bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết việc không mua vào vàng SJC một chữ, vàng móp méo chẳng qua do hết hạn mức gia công và như thế chắc chắn người tiêu dùng phải chịu thiệt. Tuy nhiên, đơn vị không mua vào chưa chắc đã có lợi, hai bên cùng chịu thiệt hoặc có thể do cầu vàng không cao như trước nữa... Tất cả những chuyện đó phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa các loại tài sản tài chính.
Ông nhấn mạnh, đã đến lúc Nhà nước cần xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng. Trước đó, TS Lai cũng từng nói rằng nếu giá trị của vàng ở khắp nơi trên thế giới được đo bằng tuổi vàng, thì với thị trường vàng trong nước, do cơ chế cấm “nửa vời” nên tuổi của vàng miếng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang logo gì.
"Nhà nước nên chuyển dần sang vàng thỏi tiêu chuẩn và sẽ do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Hiện nay vàng thỏi SJC cũng được coi như loại độc quyền của Nhà nước nhưng về hình thức sau này phải thay đổi.
Nhiều quốc gia chuẩn hóa vàng dưới dạng thỏi, không phải đóng nhãn hiệu của một công ty thương mại như thế mà đóng hẳn thương hiệu quốc gia. Và vàng thỏi đó có dạng hình vuông hoặc hình chữ thang khối..., được quản lý theo chế độ khi xuất kho bán ra ngoài thị trường thì phải biến dạng, còn vàng dự trữ dạng thỏi không bao giờ trôi nổi thị trường", TS Nguyễn Đại Lai kiến nghị.
Không có chuyện thao túng, ép giá?
Còn TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, cần hiểu đúng bản chất vấn đề.
Hiện nay dây chuyền sản xuất đặt tại SJC và SJC chỉ là doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước ủy quyền gia công vàng miếng theo đúng hạn mức Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt. Còn chuyện hiện nay thị trường nói SJC thao túng, ép giá vàng miếng là không chính xác.
"SJC đang làm theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Đến giữa tháng 12/2015, hạn mức mà SJC được phép gia công đã hết. Ngân hàng Nhà nước buộc phải cấp thêm hạn mức 4.000 lượng nữa để hạn chế rủi ro phát sinh.
Tuy nhiên đến đầu năm 2016, hạn mức gia công vàng một chữ, vàng móp méo được cấp bổ sung cũng đã sử dụng hết và SJC đã gửi đơn xin hạn mức gia công 60.000 lượng cho năm 2016 và đang đợi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt".
Theo Minh Thái (Đất Việt)