Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ với Góc nhìn thẳng về những lo ngại khi lập "siêu" Uỷ ban quản DNNN.
Để có cái nhìn đa chiều về đề xuất này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.
- Thưa ông, ông nghĩ thế nào về tính khả thi của việc lập 1 "siêu Uỷ ban" để quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại tất cả các DN, trong đó có 30 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước?
Ông Đặng Quyết Tiến: Việc thành lập Uỷ ban này là vấn đề mà rất nhiều người, cả giới chuyên gia và các nhà quản lý lo ngại về tính khả thi. Thứ nhất, về bộ máy, đó vẫn là một cơ quan hành chính Nhà nước. Hay về con người, theo đề án, sẽ phải chọn lọc và chọn những chuyên gia giỏi nhưng nguồn ở đâu thì chưa chỉ ra.
Với một khối lượng 30 Tập đoàn, Tổng công ty, bình quân mỗi Tập đoàn, Tổng công ty này có 10 đơn vị chân rết thì tổng số đơn vị đã lên tới 300. Rõ ràng, một bộ máy sinh ra để quản lý cả 300 doanh nghiệp đó là rất khó. Về nhân sự, giả sử bình quân mỗi một doanh nghiệp "con" của mỗi Tập đoàn, Tổng công ty đó cần 1-2 người phụ trách thì cần tới 600 người, là 600 chuyên gia giỏi.
Chưa kể, theo quy định của Luật, ngoài cử người đại diện vốn Nhà nước, còn phải cử cả kiểm soát viên đối với công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước và một nhóm ban kiểm soát, tức là cần tới 3 người nữa cho một công ty. Như vậy, ta cần hơn 600 người cho Uỷ ban này là rất khó, đặc biệt là người có năng lực quản lý.
Vấn đề thứ hai là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính nào với một cơ quan quản lý Nhà nước mà lại chi ra để thuê được các chuyên gia giỏi? Điều này rất khó.
Vấn đề thứ ba là một bộ máy đó làm thế nào để quản lý được 30 Tập đoàn, Tổng công ty trong các ngành nghề khác nhau? Đây là một thách thức lớn cho Uỷ ban. Cho nên, tính khả thi ở đây là vấn đề rất quan trọng cần xem xét.
- Thưa ông, tác giả của đề xuất này lên tiếng trên báo chí, khẳng định đây không phải là bộ máy hành chính mà là một nhà đầu tư tài chính, chịu trách nhiệm về hiệu quả của đồng vốn Nhà nước. Ông có tin vào năng lực quản trị của một nhà đầu tư khổng lồ này?
Ông Đặng Quyết Tiến: Nếu là một nhà đầu tư, quỹ đầu tư thì vấn đề quản trị của tổ chức này sẽ đảm bảo theo thông lệ thị trường, hoàn toàn tách khỏi sự can thiệp của cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng khi là Uỷ ban thì ở đây là cơ quan hành chính thuộc Chính phủ, như vậy, sẽ xảy ra xung đột lợi ích. Đây là việc chưa từng có xảy ra.
Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian để xử lý quy chế, quy trình, làm sao trong một cơ quan quản lý Nhà nước hoạt động như mô hình một doanh nghiệp, một quỹ đầu tư, lời ăn lỗ chịu. Đây sẽ là một cuộc cách mạng. Chúng tôi e rằng, việc này sẽ rất tốn thời gian, có thể đạt được nhưng cũng sẽ phải mất ít nhất 3-4 năm. Như vậy, giai đoạn đầu, vai trò của Uỷ ban này sẽ không được phát huy tác dụng.
Trong khi đó, chúng ta đã có mô hình Công ty đầu tư kinh doanh vốn SCIC. Rõ ràng, họ đã trải nghiệm 10 năm và giờ đã thực sự bước vào guồng của họ. Vậy thì, giữa cái thành lập mới và lựa chọn một mô hình như tác giả nói, ta biến Uỷ ban thành một cơ quan đầu tư vốn thì tại sao, ta không củng cố mô hình Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn kia.
Đó là vấn đề mà chúng tôi đang đặt ra cho cơ quan soạn thảo giải trình.
- Cũng có ý kiến cho rằng, có thể thành lập 2-3 Tập đoàn tài chính Nhà nước, tương tự như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay cho việc lập 1 siêu uỷ ban để giám sát và sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước. Ông có đánh giá thế nào về ý tưởng này?
Ông Đặng Quyết Tiến: Đây là một trong những xu thế, một hướng đi của nhiều quốc gia phát triển và đã thành công. Ngay cả ở Trung Quốc, họ thành lập một siêu Uỷ ban quản lý doanh nghiệp Nhà nước thì giờ, họ cũng quyết định kiện toàn, đang cải cách Uỷ ban đó, thành lập 1-2-3 công ty đầu tư.
Đối với Việt Nam, quy mô doanh nghiệp lớn, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Tp HCM, là 2 địa phương lớn thì rõ ràng, ban đầu có thể thành lập 3 hay 2 công ty đầu tư. Trên thực tế, Bộ Chính trị đã cho phép thành lập ngoài SCIC, có thể thành lập ở TPHCM và Hà Nội công ty đầu tư này.
Như vậy, trước mắt có thể là 3 công ty, sau này khi chúng ta kiện toàn lại thì việc giữa các quỹ đầu tư hay các công ty đầu tư vốn có thể sát nhập lại với nhau theo Luật sẽ đơn giản.
Có thể bước ban đầu thành lập 3 công ty như ý kiến một chuyên gia nào đó là hợp lý, phù hợp với ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và cũng phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng khoá XII về nghiên cứu thành lập mô hình và đặc biệt, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội là mô hình này phù hợp tình hình mới.
- Thưa ông, rõ ràng, cần phải xoá bỏ cơ chế "bộ chủ quản", tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp, ông có tin việc thành lập một "siêu Uỷ ban" hay 2-3 Tập đoàn đầu tư vốn Nhà nước sẽ khắc phục được những tồn tại ở cơ chế bộ chủ quản này, như những hạn chế ở Bộ Công Thương mới xảy ra?
Ông Đặng Quyết Tiến: Việc thành lập Uỷ ban hay Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn chỉ là vấn đề mô hình, còn để mô hình tốt thì phải có sự giám sát, kiểm tra. Vấn đề quan trọng nhất là phải công khai minh bạch.
Với mô hình doanh nghiệp, công khai minh bạch đã được Luật quy định. SCIC là công ty 100% vốn Nhà nước hay các công ty đầu tư vốn Nhà nước tại các địa phương là 100% vốn Nhà nước thì phải công khai minh bạch như công ty đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán, theo Luật quy định. Khi đã công khai, không phải chỉ Nhà nước, chủ đầu tư mà cả cộng đồng xã hội, báo chí sẽ giám sát, đảm bảo sự giám sát chặt chẽ, minh bạch thông tin.
Ngược lại, theo Luật, cũng quy định giao cho Bộ Tài chính giám sát tài chính và đánh giá hiệu qủa, công khai thông tin tài chính DNNN, phối hợp với các bộ đánh giá chuyên ngành về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước. Trách nhiệm của Bộ Tài chính đã hgi trong luật rồi, chúng tôi không làm thì chúng tôi chịu trách nhiệm.
Còn đối với việc lập Uỷ ban, đã là Uỷ ban thì là cơ quan Nhà nước với cơ quan Nhà nước, là đồng nghiệp với nhau thì sẽ vẫn có sự du di, vẫn có sự nể nang nhau. Đối với một cơ quan hành chính Nhà nước, chưa có quy định về công khai, minh bạch thông tin như thế nào? Điều này sẽ phải nghiên cứu thêm. Đây là hạn chế cần nghiên cứu thêm cho mô hình Uỷ ban này. Nếu không khắc phục được, vô hình chung, Nhà nước vẫn là người xây dựng cơ chế thì sẽ vẫn có những thứ có lợi cho mình, bảo vệ mình khi thực hiện nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2015, tính riêng 781 doanh nghiệp Nhà nước có tổng giá trị tài sản là 3.105 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Nhà nước là 1.233 nghìn tỷ đồng. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, tổng giá trị tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% sở hữu Nhà nước là 5.408 nghìn tỷ đồng. |
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định: "Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước". |
Danh sách 30 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước dự kiến chuyển giao cho Uỷ ban Quản lý vốn và tài sản Nhà nước 1. Tập đoàn Dệt May Việt Nam 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam 4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 5. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản 6. Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam 7. Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam 8. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 9. Tập đoàn Bảo Việt 10. Tổng công ty Cà phê 11. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước 12. Tổng công ty Đường sắt 13. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 14. Tổng công ty Hàng không Việt Nam 15. Tổng công ty Lương thực miền Bắc 16. Tổng công ty Lương thực miền Nam 17. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam 18. Tổng công ty Giấy Việt Nam 19. Tổng công ty Thép Việt Nam 20. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy 21. Tổng công ty Sông Đà 22. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) 23. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện 24. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 25. Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp 26. Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp 27. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam 28. Tổng công ty Dược Việt Nam 29. Tổng công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn 30. Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội |