Ngoài thực hiện bình ổn giá, đại diện các siêu thị cho biết sẽ không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra, đặc biệt đồ dùng thiết yếu. Một số siêu thị cũng không đóng cửa nghỉ Tết.
Điều đặc biệt của thị trường Tết năm nay là thực phẩm, bánh kẹo, mứt… được khuyến mại rầm rộ từ đầu tháng Chạp kéo dài cho đến 29 Tết.
Ngoài chương trình khuyến mại, hệ thống siêu thị này còn tiên phong triển khai cam kết “Khóa giá” từ 15/12/2015 đến 7/2/2016. Trong suốt thời gian “Khóa giá”, siêu thị sẽ niêm yết giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh và tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng; chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị.
Bánh mứt, thực phẩm Tết đồng loạt giảm giá sâu dịp cuối năm. Ảnh: Đ. Bình.
Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai chương trình "10 ngày giảm giá hết ga", áp dụng từ 28/1 đến 7/2/2016 (từ 19 tháng Chạp đến 29 Tết). Tất cả 81 siêu thị Co.opmart và 2 đại siêu thị trên cả nước đồng loạt giảm giá cực mạnh cho giò chả và lạp xưởng cùng hàng loạt các sản phẩm chuyên biệt phục vụ Tết, như hàng chế biến sẵn, mứt dừa, hạt đều, bánh ngọt, dầu ăn, củ kiệu, hạt nêm,...
Theo ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, chương trình "10 ngày giảm giá hết ga" cho các mặt hàng đặc trưng Tết đợt này nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm, an toàn và đầy đủ để chăm lo cho mâm cơm gia đình ngày Tết. So với năm trước, số lượng mặt hàng tham gia giảm giá Tết này tăng cao hơn và mức giảm giá sâu hơn, do có sự phối hợp chuẩn bị tốt với các nhà cung cấp từ giữa năm.
Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ công chúng, siêu thị BigC, cho biết, thời điểm này đang là đỉnh điểm mua sắm của chợ Tết. Các mặt hàng bán mạnh nhất là thực phẩm tươi sống và bia rượu, bánh mứt, nước giải khát, trái cây bày mâm ngũ quả, những loại trái độc lạ như bưởi hồ lô, dưa hấu tạo hình… cũng đang bán khá tốt.
Đặc biệt, bia rượu tăng tốc từ tuần trước và bán rất mạnh từ cuối tuần qua, có ngày lượng bán tăng hơn 200%. Lượng khách mua sắm của siêu thị cũng tăng ở tất cả các thời điểm trong ngày chứ không chỉ tập trung trong giờ cao điểm. Khách hàng không chỉ có bà nội trợ, doanh nghiệp, gia đình… mà còn có sự xuất hiện của một bộ phận khá lớn thanh niên trẻ.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cũng cho biết, siêu thị đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2-3 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Toàn hệ thống đã triển khai kế hoạch chủ động nguồn cung từ rất sớm, và tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước, như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống.
Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được dự trữ hơn 95.000 tấn, tăng gần 10% so với Ất Mùi 2015. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau từ 10%-20%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), doanh nghiệp đã hợp đồng với nhiều trang trại heo tại Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh miền Tây để có nguồn nguyên liệu ổn định cung ứng cho thị trường. Lượng hàng dự trữ tăng khoảng 20% so với dịp Tết năm trước và giá vẫn giữ nguyên so với ngày thường. Ông Mười khẳng định thị trường thực phẩm Tết sẽ ít có biến động, vì người tiêu dùng dần bỏ thói quen dự trữ trong nhà.
Trao đổi với PV, bà Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cũng cho biết, lượng hàng hóa siêu thị chuẩn bị cho Tết Bính Thân cũng tăng 25-30% so với năm ngoái. Đặc biệt, những mặt hàng thiết yếu sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hụt, sốt giá.
Đại diện nhiều siêu thị cho biết sẽ không để tình trạng thiếu hàng dịp Tết. Ảnh: Đ. Bình.
Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo đảm đủ nguồn cung và chất lượng hàng hóa cả trước, trong và sau Tết. Đồng thời, tổ chức mạng lưới phân phối; mở rộng các điểm bán hàng bình ổn giá; các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ miền núi đến hải đảo, để người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 230.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.
Siêu thị mở cửa xuyên Tết
Tại BigC, từ tuần trước Tết, các siêu thị thuộc hệ thống này đã mở cửa sớm và đóng cửa trễ hơn so với thường lệ (bắt đầu mở cửa 7h và đóng cửa 23h hàng ngày). Riêng trong 2 ngày 27 và 28 Tết, siêu thị sẽ mở cửa đến 24h. Ngày 29 Tết, sẽ đóng cửa lúc 12h trưa. Sáng mùng 3 Tết, tất cả các siêu thị Big C trên toàn quốc sẽ mở cửa phục vụ khách hàng như thường lệ.
Siêu thị đã tăng cường hơn 30% lượng nhân viên tại các bộ phận thu ngân, an ninh, nhằm phục vụ khách hàng kịp thời, nhất là trong những giờ cao điểm. Dự kiến sức mua trong tháng 1 tại hệ thống này sẽ tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.
Co.op mart cũng tăng cường nhân sự và trang thiết bị để tránh tình trạng khách chờ tính tiền lâu, đồng thời tăng giờ mở cửa lên từ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày, bắt đầu mở cửa bán 6h sáng và phục vụ đến trưa 29 Tết. Siêu thị này sẽ mở cửa trở lại vào 8h sáng mùng 2 Tết.
Fivimart sẽ đóng cửa trễ hơn, vào 14h ngày 29 tháng Chạp và mở bán lại sáng mùng 3 Tết. Riêng siêu thị Fivimart tại Aeon Mall (Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội) sẽ không nghỉ Tết.
Bà Hậu cho biết, Chủ tịch UBND Hà Nội khuyến khích các TTTM và siêu thị mở cửa đến hết sáng mùng 1 Tết. Song, các doanh nghiệp cũng phải tính toán và cân nhắc có nên hay chỉ làm tại 1 số điểm.
Theo Hà Linh - Ngọc Lan (Zing.vn)