Táo bonsai Trung Quốc đã xuất hiện và gây sốt trên thị trường mấy năm gần đây, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, giá dao động từ 1,5-3 triệu đồng/cây tùy loại.
Dịp cận Tết này, táo bonsai Trung Quốc được rao bán tràn ngập trên “chợ mạng”, la liệt khắp đường phố Hà Nội, Sài Gòn. Ngoài những gốc táo bonsai có giá tiền triệu, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại táo bonsai giá rẻ, chỉ khoảng 250.000-500.000 đồng/cây. Những loại táo này được bán dân buôn chất đầy xe bán rong ruổi trên các tuyến đường.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người bán khẳng định giá táo bonsai được trồng theo công nghệ cao cấp nên sai quả, tuyệt đối không có chuyện dùng keo 502 để gắn quả. Khách mua về bày chơi Tết cả tháng, sau khi quả rụng hết có thể đem trồng để đến mùa cây lại ra hoa kết trái tiếp.
Ghi nhận trên thị trường, dù không phải mặt hàng mới lạ, nhưng loại cây cảnh bonsai này đang khá hút khách mua về chưng Tết. Song, không ít người dính phải cú lừa khi mua phải những cây dâm bụt sai trĩu... táo hay những cây mít ra chi chít táo dưới gốc,...
Trên facebook, anh Hiển ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ hình ảnh hàng xóm nhà mình vừa mua phải “cây dâm bụt lai táo”. Anh cho biết, “cây táo bonsai” này được em anh mua ở đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) với giá 350.000 đồng. Về đến nhà, mọi người phát hiện ra đó là những quả táo được gắn vào cây dâm bụt.
Ngoài loại “dâm bụt đẻ ra táo”, chị Thanh Phương ở (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết mình dính phải cú lừa khi mua phải cây mít đẻ ra quả táo chi chít dưới gốc với giá 250.000 đồng.
Đồng cảnh ngộ, trên mạng xã hội, nhiều người mua táo cảnh bonsai về chưng Tết ngỡ ngàng phát hiện cây mình mua không phải táo mà là mít lai táo, dâm bụt lai táo,... Theo đó, những cây táo lai này mua về chỉ được vài ngày quả sẽ rụng hết, lộ ra công nghệ trồng siêu cao cấp bằng “keo 502”, công nghệ dây thép hay đinh sắt.
Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2018, chị Nguyễn Thị Thùy Duyên, chủ một cửa hàng cây cảnh ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tiết lộ, những cây táo bonsai bán trên thị trường đều được gắn keo cực kỳ chắc chắn. Bởi, khi nhập hàng về chị phát hiện tất cả số cây táo đều được gắn keo.
Chị Duyên kể, thời điểm đó, thấy táo bonsai gây sốt trên thị trường, chị cũng đăng bán online. Song, đến khi lô táo đầu tiên nhập về chị tá hỏa vì táo không giống như những gì đầu mối quảng cáo.
Nhìn cây thì rất đẹp, dáng thế chuẩn, quả sai trĩu cành, mỗi quả đều được bọc túi nilon bên ngoài cẩn thận để bảo vệ và chống bị rụng khi vận chuyển. Tuy nhiên, đến khi tháo chiếc túi nilon đó ra chị thấy lạ là tại sao phần cuống táo gắn kết với cành lại nhô thêm lên trên 1 đoạn ngắn, nhìn kỹ chị thấy có cái gì màu trắng như keo gắn trên cây còn thừa ra.
"Đoán là quả đó bị gắn keo, tôi bèn kiểm tra tất cả các quả còn lại trên cây thì đều giống hệt như vậy. Chuyển sang kiểm tra các cây khác trong lô hàng ấy cũng không khả quan hơn, tất cả quả đều được gắn keo chặt vào cành". Chị Duyên cho biết, họ gắn rất tinh vi bằng cách lấy một chiếc dùi đục tạo một lỗ nhỏ trên cành, sau đó chọn những quả táo có cuống dài, đút cuống của quả táo vào lỗ nhỏ đó rồi gắn keo lại. Khi phát hiện ra táo gắn keo, chị đã trả lại hàng chứ nhất quyết không bán.
Theo Bảo Phương (VietNamNet)