Shophouse giá chục tỷ đồng ở Hà Nội ế ẩm, nhà đầu tư đứng ngồi không yên

02/12/2021 10:27:50

Ảnh hưởng xấu bởi dịch Covid-19, nhiều căn nhà liền kề, nhà phố thương mại (shophouse) có giá từ 10 tới hàng chục tỷ đồng đang rơi vào tình trạng bỏ trống, không có người thuê.

Shophouse (nhà phố thương mại) “nở rộ” trên thị trường bất động sản từ năm 2015, từng được nhiều chuyên gia, giới đầu tư dự đoán sẽ là “gà đẻ trứng vàng”. Vào thời kỳ đầu, phân khúc shophouse đã đón nhận làn sóng đầu tư do có nhiều ưu điểm là có thể vừa sử dụng để ở, vừa có thể kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.

Thế nhưng, khoảng hơn 2 năm trở lại đây loại hình này đã dần trầm lắng. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam và kéo dài đến nay, phân khúc shophouse càng trở nên ế ẩm, thậm chí nhiều chủ đầu tư giảm đến 50% giá nhưng vẫn không có người thuê.

Ghi nhận của PV Dân Việt tại Khu đô thị Gamuda Garden (Hoàng Mai, Hà Nội) cho thấy, nhiều căn shophouse có vị trí kinh doanh "vàng" nhưng lại rơi vào cảnh "cửa đóng then cài".

Trên các trang rao vặt, shophouse Gamuda Garden thuận tiện làm văn phòng, kinh doanh khu đô thị trên. Giá cho thuê các căn shophouse Gamuda Garden 4 tầng 1 tum khoảng 35 - 40 triệu đồng/ tháng tùy vị trí.

Shophouse giá chục tỷ đồng ở Hà Nội ế ẩm, nhà đầu tư đứng ngồi không yên
Nhiều căn shophouse tại khu đô thị Gamuda Garden đang "cửa đóng then cài", treo biển cho thuê (Ảnh: M.K).

Một chủ shophouse Gamuda Garden cho biết đã treo bảng cho thuê nhưng 2 năm nay không có người thuê. Giá cho thuê cũng rẻ hơn rất nhiều so với giá trị của căn shophouse này.

Cùng rơi vào cảnh "ế ẩm", các dãy shophouse dự án TSQ Ngân Hà Galaxy dọc đường Tố Hữu đến nay vẫn gần như bỏ trống, ngay cả các căn nằm ở mặt đường chính. Được biết giá thuê ở đây đã giảm khá mạnh so với những giai đoạn trước và chỉ dao động từ 15 đến 25 triệu đồng/tháng. Cách đó không xa, hàng loạt shophouse mặt đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) có giá tới hàng chục tỷ đồng nhưng lại bỏ trống. 

Dạo quanh các khu vực Nguyễn Văn Lộc, Kiến Hưng thuộc quận Hà Đông, Mỹ Đình thuộc quận Nam Từ Liêm hay Sài Đồng, Bồ Đề thuộc quận Long Biên… dễ thấy những cảnh đìu hiu không kém.

Chị Nguyễn Thị Thu Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) than vãn trên báo VTC, căn shophouse của chị ở phố Hàm Nghi bị bỏ trống hơn 1 năm nay, dù liên tục giảm giá để thu hút khách nhưng vẫn không có người thuê.

Chị Trà chia sẻ, cuối năm 2019, chị mua một căn shophouse có diện tích mặt bằng 90m2 x 5 tầng. Khi đó, nhận thấy dự án sở hữu vị trí đắc địa, khu vực kinh doanh sầm uất nên chị đã không ngần ngại bỏ ra số tiền hơn 20 tỷ đồng để mua căn shophouse này.

Lúc mới mua, chị Trà cho 1 cửa hàng ăn thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi dịch bệnh, hàng ăn liên tục phải đóng cửa, người thuê trả lại mặt bằng. Đến giờ chị đã giảm giá xuống 22 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có khách thuê.

“Kinh doanh không có lãi, rồi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến quán phải đóng cửa, dẫn đến khách thuê lần lượt trả lại mặt bằng. Từ đó đến nay, đã hơn 1 năm rồi, không chỉ nhà tôi mà hàng loạt shophouse tại đây vẫn chưa kiếm được khách thuê, dù giá đã giảm từ 50-60%. Nhiều lần tôi đã đăng bán nhưng cũng chẳng ai mua, không biết đến khi nào mới chấm dứt tình cảnh này”, chị Trà nói.

Shophouse giá chục tỷ đồng ở Hà Nội ế ẩm, nhà đầu tư đứng ngồi không yên - 1
Nhiều shophouse sở hữu vị trí đắc địa nhưng vẫn khó tìm khách thuê. (Ảnh minh họa)

Tương tự chị Trà, anh Trọng Đạt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang rao bán căn shophouse tại quận Long Biên (Hà Nội) với giá 24 tỷ đồng do không tìm được khách thuê.

Theo anh Trọng Đạt, căn shophouse có diện tích 90m2 x 6 tầng, hoàn thiện mặt ngoài có giá 25 tỷ đồng. Nay, do dịch bệnh ế ẩm không cho thuê được, anh quyết định sang nhượng để trả vốn và lãi cho ngân hàng với giá 24 tỷ đồng, lỗ 1 tỷ đồng so với lúc mua.

Liên quan đến vấn đề này, anh Nguyễn Anh Đức, Công ty ABLand cho biết, tác động của dịch bệnh đến phân khúc bất động sản cho thuê là rất rõ, đặc biệt là phân khúc cho thuê cao cấp như shophouse. Sản phẩm này trước đây được coi như “gà đẻ trứng vàng” vì mua bán sang nhượng có lãi lớn, cho thuê giá cao, chỉ có các nhà hàng lớn, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp mới có thể thuê được. Nay, các căn shophouse rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí có hiện tượng cắt lỗ dù thị trường bất động sản nhà ở vẫn có dấu hiệu tăng giá.

Thực tế trên thị trường, giá thứ cấp đang có hiện tượng cắt lỗ, do nhiều chủ nhà mua trước khi có đại dịch, kỳ vọng vào việc sinh lời từ cho thuê hoặc sang nhượng nên sẵn sàng dùng đòn bẩy tài chính. Nhưng khi dịch COVID-19 ập tới, hàng loạt chủ nhà đã phải chịu trả "lãi mẹ đẻ lãi con" cho ngân hàng, khiến loại hình này không còn được khách mặn mà và có dấu hiệu tồn đọng bất động sản giá cao.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, trong các loại hình bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng bị tác động mạnh nhất, sau đó là loại hình bất động sản cho thuê thương mại.

Sở dĩ shophouse kém hồi phục hơn trung tâm thương mại là do loại hình này có giá thuê cao, chủ yếu nằm trong các khu đô thị mới, dân cư thưa thớt, lại không tích hợp sẵn tiện ích. Hơn nữa, hầu hết các chủ nhà đều yêu cầu khách hàng thuê cả căn, giá khá cao, với tình trạng kinh doanh chưa hồi phục nên nhiều người không mặn mà thuê.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật