Dịch COVID-19 khiến công việc tiếp thị dự án nhà ở của anh Nguyễn Văn Sơn (26 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) rơi vào cảnh ảm đạm. Cũng vì dịch COVID-19, anh Sơn "rẽ ngang" sang công việc giao hàng để có thu nhập lo cho cuộc sống.
Mặc dù chuyển sang nghề giao hàng chưa đầy một tháng nhưng công việc của anh Sơn bận tối ngày, thu nhập khá tốt.
Anh Sơn cho biết: "Cứ mở điện thoại lên để chờ đơn hàng "nổ". Có những buổi tối đang dùng cơm, điện thoại "nổ" đơn là tôi cũng tranh thủ lên đường. Thu nhập của tôi phụ thuộc vào từng chuyến đi. Grab tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km, tính đơn giản một đơn hàng có quãng đường giao 10km thì tiền thu về là 70.000 đồng/đơn và chi phí cắt lại cho Grab là 20%, như vậy (tương đương 14.000 đồng/đơn/10km) thì phần còn lại là thu nhập của tôi".
Cũng theo anh Sơn: "Khi các dự án nhà ở bị nghẽn lại vì dịch COVID-19, tôi buộc lựa chọn nghề shipper để tìm kiếm thu nhập tạm thời. Mặc dù chỉ là một thành viên cộng tác của Grab nhưng thu nhập mỗi ngày của tôi cũng dao động từ 250.000 – 300.000 đồng. Đơn cử như sáng hôm nay, tôi nhận một đơn hàng đi từ Lê Văn Lương về khu Cầu Diễn có quãng đường gần 12km, tôi cũng "đút túi" được khoảng 80.000 đồng".
Anh Sơn cho biết, quan sát các đơn hàng đặt qua ứng dụng Grab thì đơn hàng đồ ăn chiếm số lượng nhiều nhất. Đứng thứ 2 là mặt hàng thời trang.
Khác với anh Sơn, anh Trần Quyết Thắng (25 tuổi, quê ở Ý Yên, Nam Định) đang là shipper tự do tại Hà Nội lại có nguồn thu nhập nhỉnh hơn.
Theo anh Thắng, dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, người dân ít đến nơi đông người nên công việc của người làm shipper tự do cũng bộn bề hơn.
Anh Thắng cho biết: "Tôi làm giao hàng cho hai quán ăn "ruột" và thỉnh thoảng thì nhận đơn trên nhóm hội giao hàng. Riêng công việc giao hàng cho hai quán ăn đã khiến tôi khá quá tải vì dịch COVID-19 mà số lượng đơn hàng tăng hơn rất nhiều so với trước đó. Hễ chủ hàng báo tin nhắn đơn hàng về điện thoại là tôi bắt đầu công việc của mình. Mỗi đơn hàng tôi được 20.000 – 35.000 đồng/hành trình, tùy độ dài quãng đường. Mặc dù hơi quá tải nhưng thu nhập của tôi lại tăng lên".
Vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng thêm thời tiết mưa ẩm thất thường nên những ngày này, ngoài những khoản thu nhập trên, anh Thắng cũng được các chủ cửa hàng hỗ trợ thêm.
Anh Thắng chia sẻ, nếu làm nhân viên giao hàng cho một cửa hàng "ruột" thì mức độ rủi ro gần như là không có. Tuy nhiên, khi làm giao hàng tự do và nhận đơn trên mạng xã hội thì mức độ rủi ro là không thể lường. Đã có rất nhiều shipper bị bom hàng.
Bằng kinh nghiệm 2 năm làm nghề giao hàng của mình, anh Thắng cho biết: "Là đơn hàng nhận qua các hội nhóm shipper thì nhất định phải kiểm tra thật kỹ tài khoản mạng xã hội và số điện thoại. Nếu tài khoản đó có địa chỉ rõ ràng, kinh doanh rõ ràng và có nhiều bài đăng về hoạt động kinh doanh cùng sự tương tác ổn định thì tôi mới nhận đơn. Bởi giá trị thu về ở mỗi đơn hàng không lớn nhưng khi bị "bom" hàng thì gần như mất "cả chì lẫn chài".
Trao đổi với PV, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, dịch COVID-19 chính là thời điểm thuận lợi để các giao dịch online gia tăng. Điều này đồng nghĩa tình trạng bán hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… cũng gia tăng. Đặc biệt là các giao dịch ở sàn thương mại điện tử.
Ông Phú cho biết, nếu chỉ nhìn bằng hình ảnh thì người tiêu dùng không thể nào khẳng định được chất lượng có thực sự đi đôi với hình ảnh hay không. Nếu người tiêu dùng bị yêu cầu buộc phải thanh toán trước số tiền hàng thì nguy cơ rủi ro càng cao hơn nữa. Vì vậy, cách duy nhất để giảm thiểu rủi ro khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội là "xem hàng trên mạng, mua hàng tại chỗ".
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người mua hàng cần phải được đáp ứng yêu cầu được xem hàng trước khi trao tiền cho shipper. Nếu hàng không đảm bảo chất lượng thì khách hàng hãy trả lại. Ngoài ra, tăng cường mua hàng với những mối hàng thân quen để giảm thiểu rủi ro khi mua hàng gián tiếp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, mua sắm online và đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp an toàn, hạn chế lây nhiễm trong mùa dịch. Đặc biệt là khi dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến.
Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo an toàn các giao dịch trực tuyến thì đơn vị cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị. Qua đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)