Shark Thủy, cú xuống tay tiền tỷ và nỗi buồn Start-up teo tóp, đóng cửa

26/01/2022 15:40:05

Loạt dự án khởi nghiệp thần tốc có bàn tay của Shark Thủy, vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này gặp vô vàn khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.

Trăm tỷ đầu tư mạo hiểm

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy, còn được biết với cái tên Shark Thủy, là một trong những khách mời quyền lực xuất hiện trong chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ - Shark Tank Việt Nam và đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup.

Shark Thủy nổi tiếng với những quyết định đầu tư khá mạnh tay cho các dự án khởi nghiệp trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Trong đó, phải kể đến We Escape hay Sữa đậu nành Soya Garden...

We Escape ra đời từ một dự án "chơi" của 4 chàng trai chuyên toán, có cơ sở đầu tiên tại Ngọc Khánh (Hà Nội) vào năm 2015. Start-up này được biết đến nhiều hơn khi gọi vốn thành công 5 tỷ đồng đổi lấy 36% từ Shark Thủy trên chương trình Shark Tank Việt Nam hồi 2018.

Tuy nhiên, trên thực tế Shark Thủy đã đầu tư gấp 6 lần cam kết, khi chi 30 tỷ đồng để sở hữu 70% cổ phần, 30% cổ phần còn lại thuộc về những nhà sáng lập của mô hình kinh doanh này.

Shark Thủy, cú xuống tay tiền tỷ và nỗi buồn Start-up teo tóp, đóng cửa
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy
Shark Thủy, cú xuống tay tiền tỷ và nỗi buồn Start-up teo tóp, đóng cửa - 1
Escape Game

Với sự trợ lực của Shark Thủy, đến 2021, startup này có đến 8 cơ sở, chính thức thành hệ thống Escape Game lớn nhất Việt Nam.

Shark Nguyễn Ngọc Thủy cũng gật đầu với thương vụ Soya Garden của CEO Hoàng Anh Tuấn, khi cam kết đầu tư 15 tỷ đồng vào Soya Garden. Tuy nhiên, số tiền thực tế mà Soya Garden nhận từ Shark Thuỷ là 20 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, Tập đoàn Egroup đã rót thêm 25 tỷ đồng vào Soya Garden. Sau đó ít tháng, Egroup tiếp tục rót 55 tỷ đồng vào chuỗi thương hiệu này.

Như vậy, tổng cộng Shark Thủy và Egroup đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, tương đương 5 triệu USD, vào chuỗi Soya Garden. Tham vọng của CEO Hoàng Anh Tuấn là đưa sữa đậu nành lên ngang tầm với cà phê và trà, thậm chí tạo xu hướng “đi đậu nành Soya”, thay cho “đi cà phê”, “đi trà sữa”. Với khoản đầu tư “khủng” này, Soya Garden trở thành thương vụ được đầu tư lớn nhất của Shark Tank Việt Nam.

Shark Thủy, cú xuống tay tiền tỷ và nỗi buồn Start-up teo tóp, đóng cửa - 2
Soya Garden

Với số tiền được rót thần tốc, CEO Hoàng Anh Tuấn cũng không giấu kế hoạch đầy tham vọng là muốn mở rộng 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng năm 2021 trên toàn quốc.

Gánh về những thua lỗ, đóng cửa

Ngày đầu tiên của năm 2022, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam bất ngờ với thông báo đóng cửa hệ thống kinh doanh của CEO We Escape - Vương Chí Nhân.

Trong suốt 2 năm gồng gánh We Escape, mọi nỗ lực của CEO Chí Nhân và cộng sự đều sụp đổ bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, chi phí mặt bằng quá lớn đã tác động nặng nề đến We Escape, buộc hệ thống phải đóng hơn một nửa số cửa hàng và chính thức gục ngã vào năm 2021.

Được sự hậu thuẫn về tài chính của Egroup, Soya Garden được cho là phi vụ đầu tư được kỳ vọng nhất của Shark Tank. Nhưng đầu năm 2020, một số cửa hàng Soya Garden tại TP.HCM, nhất là cửa hàng thuộc khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp bắt đầu âm thầm đóng cửa. Đến tháng 5/2020, khi đợt Covid-19 thứ nhất quét qua, làn sóng Soya Garden trả mặt bằng càng rầm rộ.

Tại TP.HCM, Soya Garden chỉ giữ lại một số cửa hàng đặc biệt trong khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), Ngã 6 Phù Đổng (quận 1). Nhưng rồi các cửa hàng này cũng không cầm cự nổi.

Ban đầu, nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc đóng một loạt cửa hàng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, nhằm tối ưu chi phí mặt bằng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng sau đó, chính ông cũng rời khỏi vị trí CEO của Soya Garden.

Shark Thủy, cú xuống tay tiền tỷ và nỗi buồn Start-up teo tóp, đóng cửa - 3
Apax English.

Vẫn là câu chuyện mặt bằng kinh doanh, ở lĩnh vực đầu tư khác của Egroup là Apax English, chuỗi tiếng Anh được Shark Thủy đầu tư với số tiền không hề nhỏ, cũng đang lâm vào cảnh xin giảm 50% giá thuê mặt bằng.

Không những vậy, Apax English còn bị Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng - chủ đầu tư và trực tiếp quản lý vận hành Toà nhà thương mại và văn phòng cho thuê CDC Building tại số 25-27 Lê Đại Hành - kiện vì nhiều lần không trả tiền thuê mặt bằng.

Đến nay, Apax English có 132 cơ sở trên cả nước. 2 năm Covid-19 vừa qua, hệ thống này không mở cửa dạy học offline nhưng vẫn cố gắng giữ mặt bằng, bởi phần lớn ở các vị trí đắc địa, diện tích rộng và tiền thuê đắt. Phía Apax English đã gửi văn bản tới CDC Lê Đại Hành xin giãn nợ thêm 6 tháng và chia đều khoản tiền nợ để trả hàng tháng, nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía đối tác. 

Theo Ngọc Cương (VietNamNet)