Shark Tank mùa 7 khép lại: 25 thương vụ thành công, Shark Bình dẫn đầu giá trị đầu tư với gần 2 triệu USD, 'chiến thần chốt deal' gọi tên Shark Minh Beta

30/10/2024 09:27:29

Shark Bình và Shark Minh Beta dẫn đầu Shark Tank mùa 7 về cả giá trị đầu tư lẫn tổng số deal đã chốt với startup.

Shark Tank mùa 7 khép lại: 25 thương vụ thành công, Shark Bình dẫn đầu giá trị đầu tư với gần 2 triệu USD, 'chiến thần chốt deal' gọi tên Shark Minh Beta
Dàn "cá mập" tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 7.

Shark Tank Việt Nam mùa 7 ghi nhận 25 thương vụ gọi vốn thành công trên sóng truyền hình với tổng số tiền các Shark ra deal đầu tư là hơn 180 tỷ đồng.

Là hai Shark ngồi trọn vẹn tất cả các tập của Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Minh Beta dẫn đầu bảng tổng sắp với lần lượt số tiền cam kết đầu tư là hơn 73 tỷ đồng và hơn 49 tỷ đồng.

Shark Tank mùa 7 khép lại: 25 thương vụ thành công, Shark Bình dẫn đầu giá trị đầu tư với gần 2 triệu USD, 'chiến thần chốt deal' gọi tên Shark Minh Beta - 1

Cụ thể, Shark Bình chốt 11 deal  với giá trị đầu tư là hơn 73 tỷ đồng. Chia sẻ cảm nhận về các startup, vị chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết: “Một đặc điểm quan trọng của startup đó là thiếu thốn, trong đó có thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu quan hệ, thiếu nguồn lực, thiếu nhân sự. Đó là nguyên nhân và động lực để startup phải sáng tạo. Nhiều startup được đầu tư nhiều vốn, gọi được nhiều vốn nhưng lại “lăn ra chết trước” nên cần “thiếu thốn” một tí để cố gắng giải quyết”.

Shark Tank mùa 7 khép lại: 25 thương vụ thành công, Shark Bình dẫn đầu giá trị đầu tư với gần 2 triệu USD, 'chiến thần chốt deal' gọi tên Shark Minh Beta - 2

Theo sau ngay Shark Bình là Shark Minh Beta khi đã chốt đầu tư thành công 12 thương vụ với tổng giá trị đầu tư là hơn 49 tỷ đồng. Chia sẻ vì lý do ra deal phức hợp và deal in-kind, Chủ tịch Beta Group cho biết khi đến với chương trình tôi không dự liệu trước là đưa ra cấu trúc deal như vậy.

“Mùa trước tôi có khá nhiều sự thành công với các thương vụ đầu tư, ví dụ máy chiếu mini Beecube doanh số tăng gấp đôi và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và phát triển được sản phẩm mới, nên mong muốn quay trở lại mùa 7 phải chiến đấu mạnh mẽ hơn và tìm những cơ hội để có thể có những sự đột phá nên tìm mọi cách để có thể ra được deal. Những deal rõ ràng thì tôi sẽ đầu tư tiền mặt nhiều, một số trường hợp dù đánh giá kĩ thấy mức độ rủi ro cao nhưng nếu từ chối deal thì thấy tiếc cho các bạn founder và tiếc cho shark vì đó có thể là cơ hội nên cố gắng đưa ra cách khác cố gắng để deal phù hợp cho cả 2 bên. Ví dụ hình thức in kind có nhiều giá trị của Beta Group có thể giúp các bạn và chỉ như thế thì deal mới phù hợp với mức độ rủi ro của mô hình kinh doanh và tình trạng mà startup đang có”, Shark Minh Beta chia sẻ thêm.

Shark Tank mùa 7 khép lại: 25 thương vụ thành công, Shark Bình dẫn đầu giá trị đầu tư với gần 2 triệu USD, 'chiến thần chốt deal' gọi tên Shark Minh Beta - 3

Theo sau Shark Bình và Shark Minh lần lượt là các Shark Thái, Shark Nga, Shark Hưng, Shark Phi Vân và “sư tử Đức” Shark Tillman.

Là “cá mập” nhiều kinh nghiệm đồng hành cùng Shark Tank từ mùa đầu tiên nhưng chỉ ngồi ghế đầu tư 8 tập trong mùa 7, Shark Hưng có 5 deal với giá trị hơn 8,7 tỷ đồng. Chia sẻ cảm nhận về startup mùa 7, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners cho biết: “Các startup mùa 7 có sự tiến bộ rõ rệt trong các phương án kinh doanh cũng như kết quả kinh doanh khá là khả thi bởi vậy số deal được chốt ở mùa 7 khá nhiều”.

Với 4 vị “cá mập mới” thì số deal được chốt lần lượt như sau: Shark Thái đã có 6 thương vụ thành công với giá trị đầu tư là hơn 25 tỷ đồng. Shark Phi Vân có 4 thương vụ đầu tư với giá trị đầu tư 8,3 tỷ đồng. Shark Lê Mỹ Nga đầu tư 5 thương vụ với giá trị đầu tư 13,6 tỷ đồng.

Là vị “cá mập” ngoại quốc duy nhất, Shark Tillman Schulz đã cam kết đầu tư 1 thương vụ với giá trị đầu tư 2 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ 1 startup đưa sản phẩm đến các đối tác. Shark Tillman Schulz chia sẻ: “Tôi thích đầu tư vào các ý tưởng kinh doanh, nhưng cuối cùng thì với tư cách nhà đầu tư tôi cần phải mang lại lợi ích cho nhà sáng lập của startup điều đó có nghĩa là nếu họ cần hỗ trợ các vấn đề nội địa tôi không đủ khả năng để hỗ trợ nên mặc dù một số mô hình kinh doanh và founder tốt tôi vẫn không phải là shark phù hợp. Tôi cần startup có thể hỗ trợ được. Trong khi các startup cần một shark ở tại Việt Nam, đó cũng là điều khó khăn đối với tôi”.

Theo Huyền Thanh (Nhịp sống Thị trường)

Nổi bật