Shark Tank Việt Nam mùa 2 đã kết thúc. Và giống như mùa 1, các "cá mập" mùa này tiếp tục nhận được sự yêu mến từ khán giả bởi phong cách vừa hài hước vừa nghiêm túc, chân thành trong quá trinh làm việc. Tuy nhiên trái với hình ảnh quen thuộc thường thấy trên truyền hình, các Shark cũng có những nỗi khổ mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Shark Louis chia sẻ trên chương trình Café khởi nghiệp phát sóng gần đây như sau: "Nhiều lúc startup đưa ra thông tin trên Shark Tank nhưng khi chúng tôi thẩm định lại thì không như vậy, rất thất vọng. Rất khó cho nhà đầu tư bỏ tiền vào vì những gì startup nói là không đúng, ảnh hưởng uy tín cả 2 bên".
"Các cá mập bị nói là đánh bóng thương hiệu, chẳng chịu đầu tư gì cả. Rất khó khăn cho cá mập", Shark Louis trần tình.
Thông tin đưa ra không chính xác chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ startup vượt qua vòng thẩm định (DD- Due diligence) và nhận vốn đầu tư từ các shark không nhiều.
Theo những gì chúng tôi tìm hiểu, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2018, chỉ có 8/22 startup của Shark Tank mùa 1 đã hoặc sẽ nhận được rót vốn từ các cá mập. Trong đó, có 7 Startup đã qua được giai đoạn DD, 1 Startup không rõ DD hay thẩm định doanh nghiệp là gì, nhưng tin tưởng mình sẽ được rót vốn như cam kết.
Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, nhà đầu tư cam kết rót vốn nhiều nhất mùa 1, với trên 28 tỷ đồng vào 8 dự án, cũng phải thừa nhận là khi DD, không một start-up nào có dữ liệu hoàn toàn trùng khớp với thông tin họ đưa ra khi thương thảo trên truyền hình.
"Con số chênh lệch gấp nhiều lần, chứ không phải 5-10%", Shark Phú thẳng thắn nhận xét.
Thậm chí đến mùa 2, để tránh tình trạng các "bức tranh vẽ ra đẹp nhưng đến lúc soi vào thực tế lại không như vậy" Shark Phú đã chuyển phương án rót vốn trực tiếp đổi lấy cổ phần sang toàn bộ cam kết đầu tư dưới dạng trái phiếu chuyển đổi, hình thức hiếm khi được sử dụng tại mùa 1.
Trên thực tế, số liệu đưa ra đẹp hay xấu không phải là yếu tố khiến nhà đầu tư quan tâm, mà bản chất là những người sáng lập có trung thực hay không. Theo CEO Phạm Duy Hiếu của Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công Nghệ Việt Nam- Startup Vietnam Foundation (SVF), nhà đầu tư chọn startup vì tương lại chứ không vì hiện tại, bởi ở thời điểm hiện tại, những gì nhiều startup làm được vẫn còn rất nhỏ .
"Người ta xuống tiền không vì cái nhỏ, người ta muốn đầu tư để khi công ty của bạn lớn hơn, sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên".
"Dù con số đưa ra nhỏ bé, khiêm tốn thôi nhưng khi kiểm tra thấy đúng sự thật, nhà đầu tư sẽ có niềm tin vào startup. Họ sẽ sẵn lòng bỏ tiền để cùng bạn viết câu chuyện lớn hơn", CEO Phạm Duy Hiếu khẳng định.
Theo Nhật Anh (Trí Thức Trẻ)