Sếp Ngân hàng Nhà nước không được đi nước ngoài do doanh nghiệp mời

06/08/2018 09:52:34

Từ 23/7, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc kỹ việc đi công tác nước ngoài, không thăm quá ba ngày tại một nước và không quá ba nước trong một chuyến.

Sếp Ngân hàng Nhà nước không được đi nước ngoài do doanh nghiệp mời
Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ra Chỉ thị 03/CT-NHNN có hiệu lực từ 23/7 về tăng cường quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc kỹ việc đi công tác nước ngoài và thực hiện các yêu cầu sau đây:

- Không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia một đoàn công tác nước ngoài.

- Không tham gia đoàn đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh.

- Lãnh đạo chủ chốt không đi công tác nước ngoài quá hai lần một năm (trường hợp đặc biệt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định).

- Không quá 10 người/đoàn (đối với đoàn quan trọng, có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, cần có số thành viên tham gia hợp lý và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền).

- Mỗi nước thăm không quá ba ngày (không tính thời gian đi và về).

- Trường hợp đi thăm nhiều nước, cần tính toán hợp lý, bố trí các nước đi thăm gần nhau, trong cùng khu vực và không đi quá ba nước trong cùng một chuyến công tác.

- Thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nguồn kinh phí khi đi công tác nước ngoài.

Khuyến khích sử dụng hàng không giá rẻ khi đi công tác nước ngoài

Ngoài ra, các đoàn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đi công tác nước ngoài phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Việc tổ chức chuyến công tác nước ngoài cần có chương trình cụ thể trong đó nêu rõ mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm,... tránh trùng lặp với các đoàn đi trước.

- Không tổ chức các đoàn giao lưu, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực bằng ngân sách nhà nước. Các đoàn đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác, các chương trình đào tạo, các dự án, đề tài phải có đề cương nghiên cứu chi tiết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

- Cán bộ, công chức tham gia đoàn phải đúng người, đúng việc, có tính đến nhu cầu đào tạo cán bộ. Thời gian mỗi chuyến công tác phải tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, không kéo dài trên cơ sở đảm bảo yêu cầu công việc, hiệu quả và tiết kiệm. Hạn chế tối đa việc đã cử đi nhưng lại hoãn, lùi thời gian hoặc không đi để tham gia đoàn công tác khác, gây ảnh hưởng đến việc triển khai và mối quan hệ với đối tác.

- Tặng phẩm cho các đối tác nước ngoài cần gọn nhẹ, tiết kiệm, chú trọng ý nghĩa văn hóa, tuyên truyền, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Các đoàn đi công tác nước ngoài phải thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng các phương tiện đi lại, khuyến khích sử dụng hàng không giá rẻ.

- Không tổ chức chiêu đãi, mời cơm ở nước ngoài (trừ trường hợp đặc biệt cần thiết và phải được cấp có thẩm quyền cho phép).

- Cán bộ, công chức sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để đi nước ngoài phải thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam và nước sở tại trong thời gian được cử/cho phép đi nước ngoài, tránh để xảy ra các sự việc đáng tiếc. Trong thời hạn năm ngày làm việc sau khi kết thúc chuyến đi công tác nước ngoài, cán bộ phải nộp lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ về cơ quan, đơn vị được giao quản lý.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)