Sẽ xóa khoản nợ lên đến gần hơn 27.700 tỷ đồng không còn khả năng thu hồi?

05/03/2019 09:24:44

Theo Bộ Tài chính, việc xoá 27.753 tỷ đồng sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho nhà nước.

Sẽ xóa khoản nợ lên đến gần hơn 27.700 tỷ đồng không còn khả năng thu hồi?
Nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh đã mất khả năng thanh toán (Ảnh minh hoạ)

Đề xuất xoá hơn 27.700 tỷ đồng

Tin từ Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ về xử lý nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt nộp chậm, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách. Theo đó, dự kiến xoá nợ 27.753 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho nhà nước.

Bên cạnh đó, việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu sẽ giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách.

Bộ Tài chính đánh giá, việc ban hành nghị quyết cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, mặc dù các khoản nợ này tồn tại nhưng không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu được và hàng năm không thực hiện giao dự toán thu đối với các khoản nợ này.

Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết sẽ có tác động trên toàn quốc, do đó yêu cầu cần phải có sự chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ thuế của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc thực hiện xử lý nợ công khai, minh bạch, chính xác đúng đối tượng, đảm bảo tính nghiêm minh và không để thất thu ngân sách nhà nước.

Tại hội thảo diễn ra mới đây, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xóa nợ thuế đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi. Bởi các khoản nợ này đã trải qua nhiều năm và gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thuế. Đối với một số doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn khi hiện nay cũng đang phải gánh những khoản nợ thuế để lại từ nhiều năm trước qua quá trình sáp nhập, giải thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, những năm qua, Quốc hội đã sửa đổi bổ sung và ban hành nhiều luật thuế và các luật quản lý thuế, dẫn đến nhiều thay đổi về chính sách thuế, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể, hiệu quả về giải quyết nợ thuế tồn đọng trong thời gian qua.

Hàng năm, bên cạnh nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân mất khả năng thanh toán, tạm ngừng kinh doanh do bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không được xóa nợ do không đảm bảo đủ các điều kiện tại Luật Quản lý thuế. Khoản nợ thuế này kéo dài qua các năm và ngày càng tăng.

Do đó, nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ về pháp luật quản lý thuế nói chung và pháp luật quản lý nợ thuế nói riêng để xử lý tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng xử lý tiền nợ thuế lâu năm không có khả năng thu do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật; người nộp thuế đã ngừng kinh doanh.

Nợ đọng thuế còn cao

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. Trong đó: Nợ do cơ quan thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Nợ do cơ quan hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016.

Đối với số nợ do cơ quan thuế quản lý, nợ có khả năng thu là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ; Tiền phạt vi hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng;

Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Trong số 5.320 tỷ đồng tiền thuế nợ do cơ quan Hải quan quản lý, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng; Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng; Tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)

Nổi bật