Tuy nhiên, theo tiến trình xử lý sự việc, chiếc máy bay này đã được xem là tài sản thuộc Nhà nước quản lý nên đơn vị đứng ra bán phải là một cơ quan quản lý nhà nước. Và nhiệm vụ này đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao cho Cục Hàng không.
Lãnh đạo Cục Hàng không trên cho hay, đến nay, Cục Hàng không đang tiến hành chọn đơn vị thẩm định giá để định giá; sau đó sẽ thông báo mời đấu giá công khai.
“Vì đây là tài sản chưa gần như từng có tiền lệ trong thẩm định giá tại Việt Nam nên việc tìm đơn vị thẩm định không dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi chọn được đơn vị thẩm định giá, họ sẽ chịu trách nhiệm và có cách làm. Nếu họ không có khả năng tự làm, họ phải thuê các chuyên gia có chuyên môn để tư vấn” - một cán bộ tham mưu cho Cục Hàng không việc tổ chức đấu giá cho biết.
Chính vì chưa có tiền lệ trong thẩm định giá chiếc máy bay này nên đến nay, Cục Hàng không cũng chưa chốt được lộ trình bán chính thức chiếc máy bay này.
Như tin đã đưa từ tháng 5/2007, tàu bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài vì gặp sự cố. Năm 2008, Tiền Phong có nhiều bài viết về chiếc máy bay bị bỏ rơi này.
Cục Hàng không cũng nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không có liên hệ nào.
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó thông báo: Giấy chứng nhận khai thác của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, tàu bay B727-200 này bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia, Cục hàng không Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo pháp luật Việt Nam.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing 727 - 200 của Campuchia bị bỏ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội từ năm 2007 đến nay.
Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, máy bay Boeing 727 này đã hết khả năng bay và không thể khôi phục để phục vụ vận tải hàng không.
Chi phí bán chiếc máy bay sẽ đưa về ngân sách Nhà nước, sau đó ưu tiên cho các khoản chi phí như chi phí triển khai công tác đấu giá, chi phí sân đỗ của máy bay tại sân bay Nội Bài (ước tính đã lên tới hơn 10 tỷ đồng).
Theo Bảo An (Tiền Phong)