Sẽ có luật riêng về BOT

08/06/2016 07:02:00

Dù có nhiều bất cập, gây sức ép lớn cho đời sống kinh tế - xã hội; nhưng tới đây, các dự án BOT sẽ tiếp tục được thực hiện vì ngân sách khó khăn. Để minh bạch loại hình đầu tư BOT, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội sớm cho xây dựng luật đầu tư đối tác công tư.

Dù có nhiều bất cập, gây sức ép lớn cho đời sống kinh tế - xã hội; nhưng tới đây, các dự án BOT sẽ tiếp tục được thực hiện vì ngân sách khó khăn. Để minh bạch loại hình đầu tư BOT, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội sớm cho xây dựng luật đầu tư đối tác công tư.
 
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Như Ý
 

Ngày 7/6, Bộ GTVT tổ chức hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011–2015.

Giảm phí, dẹp gian lận thu phí

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh lấy ví dụ quãng đường 100 km từ Hà Nội đến Thái Bình phải qua 4 trạm thu phí, phí đường cao hơn chi phí nhiên liệu để nói lên sức nóng của BOT.

Đại diện cơ quan phê duyệt mức phí, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho hay: Chính phủ đã chỉ đạo ngừng tăng phí; Bộ Tài chính và Bộ GTVT đang rà soát báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 6. Thứ trưởng Tài chính cho rằng, khả năng giảm phí là hoàn toàn có thể vì chi phí xây dựng thực tế (được xác định qua quyết toán) sẽ thấp hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt (để làm cơ sở thu phí).

Ngoài ra, trong phương án tài chính của nhiều dự án, khoản mục “chi phí dự phòng” chưa dùng đến. Bà Mai cho hay: “Chính phủ không thay đổi cam kết để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Nếu không như thế, tới đây sẽ không thể thu hút đầu tư vào dự án giao thông”. 

Bên hành lang hội nghị, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng thông báo đã chỉ đạo Cty Tasco – Nhà đầu tư QL 21B (qua Nam Định) dừng ngay việc tăng phí đã triển khai từ ngày 1/6 vừa qua.

Về minh bạch doanh thu thu phí, dù bộ GTVT đang xây dựng hệ thống thu phí không dừng nhưng Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đề nghị triển khai sớm hơn nữa. Trong ý kiến bằng văn bản gửi đến hội nghị, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng đề nghị sớm triển khai thu phí tự động. Trong khi chưa kịp triển khai rộng khắp, cần áp dụng cơ chế tích điểm thưởng cho người qua trạm để khuyến khích người qua trạm lấy vé, qua đó giám sát các trạm. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh kiến nghị Bộ GTVT chỉ nên chọn một nhà đầu tư thu phí tự động tốt nhất; không nên chia nhỏ cho 3 doanh nghiệp gây tranh cãi nội bộ, lãng phí đầu tư (phải mua hệ thống phần mềm, công nghệ nhiều lần... - PV). Ông Thanh cũng đề nghị thực hiện nghiêm việc trạm thu phí phải “tháo khoán” cho phương tiện khi xảy ra ùn tắc; lắp bảng thông báo tại trạm với nội dung: Tổng số tiền đã thu, số tiền, thời gian thu phí còn lại.

Không thể để ngả nào cũng gặp trạm

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay, từ năm 2016 đến 2020 nhu cầu vốn của các dự án hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý lên tới 1.039 nghìn tỷ đồng; trong khi vốn ngân sách chỉ đáp ứng được 11% nên việc thực hiện các dự án BOT là “tất yếu”.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Cty Tasco (đầu tư nhiều dự án BOT) bức xúc khi dư luận gọi nhà đầu tư là “tội đồ”, “ăn dày”. Tuy nhiên, bản thân ông cũng thừa nhận sự bất hợp lý khi “ngả nào cũng gặp trạm thu phí”. “Vừa qua, Bộ GTVT quyết làm QL 1A vì muốn nhanh chóng có một hạ tầng tốt. Tuy nhiên, tới đây, BOT chỉ nên làm tuyến mới, để người dân lựa chọn giữa đường không phí và đường có phí” - ông Dũng nói.

Sẽ có luật riêng về BOT - ảnh 1
Việc hình thành luật về BOT sẽ giúp dự án minh bạch, hiệu quả. Ảnh: Sỹ Lực
 

Đồng tình với việc tiếp tục phát triển BOT nhưng PGS. TS Trần Đình Thiên đề nghị khắc phục ngay tình trạng quá tập trung vào đường bộ. “Trong khi đường sắt, hàng hải, đường thủy, nước ta có lợi thế lại không tập trung đầu tư, mà lại tập trung cho đường bộ. Phải chăng đó là lợi thế hay có lợi ích gì ở đây?” - ông Thiên đặt vấn đề.

Nước còn nghèo - càng phải minh bạch

PGS. TS Trần Đình Thiên và nhiều đại biểu cho rằng, việc thiếu minh bạch trong quá trình lập, phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư dự án BOT chính là vấn đề làm dư luận bức xúc nhất trong thời gian qua. “Đất nước còn nghèo, phải công khai minh bạch, chia sẻ nhiều với xã hội” - ông Thiên đề nghị.

Giải pháp được các đại biểu đề nghị là thực hiện nghiêm túc việc chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, không chỉ định thầu. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần chấm dứt việc để các doanh nghiệp tự lên ý tưởng, lập dự án rồi cơ quan Nhà nước phê duyệt như hiện nay. “Nếu có thể, Nhà nước góp vốn để can thiệp hành vi của nhà đầu tư, thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội trong dự án đó”. Trong văn bản gửi hội nghị, nguyên Thứ trưởng GTVT Nguyễn Việt Tiến cũng đề nghị, Nhà nước bỏ 10-15% vốn vào dự án BOT để nắm quyền thiết kế, giám sát và kiểm định dự án.

Về tổng thể, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị sớm xây dựng luật về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, quy định các nội dung để minh bạch hóa dự án BOT. Thay mặt Bộ GTVT báo cáo trước hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có ý kiến để Quốc hội cho phép xây dựng “Luật Đối tác công tư”.

Việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia BOT giao thông được đặc biệt kỳ vọng. Tuy nhiên, các báo cáo tại hội nghị cho thấy, hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia. Ông Lê Quốc Bình, Tổng GĐ Cty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM cho hay: “Qua làm việc với họ, không có nhà đầu tư nước ngoài nào chấp nhận đầu tư nếu lãi suất USD dưới 15%. Mức lãi suất đó chúng ta đã khó chấp nhận nhưng họ còn lo các rủi ro về chính sách, kinh tế, tỷ giá...”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề nghị đa dạng hóa các chính sách thu hút đầu tư BOT. Các dự án ở vùng sâu vùng xa nếu không có ưu tiên thì khó thực hiện. Về nguồn lực để thu hút đầu tư nước ngoài, nguyên phó thủ tướng đề nghị tăng cường giải pháp như khai thác quỹ đất, quảng cáo hai bên đường BOT.

 

Tăng giám sát vì BOT chính là dự án công trả chậm

Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, dự án BOT vừa qua có những đóng góp lớn cho kinh tế xã hội nhưng tồn tại những vấn đề “không thể không giải quyết”, như: Dự toán công trình cao hơn chi phí xây dựng; vị trí một số trạm thu phí chưa hợp lý, thiếu quy hoạch tổng thể; năng lực nhà đầu tư yếu, chủ yếu trông vào vốn ngân hàng... “Bản chất dự án BOT là dự án đầu tư công trả chậm thông qua việc trả phí của người dân. Chính vì vậy, việc kiểm soát dự án BOT phải như dự án công. Doanh nghiệp có lợi nhưng phải minh bạch”– Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan phát triển hài hoà các loại hình vận tải; trong đó tập trung vào các ngành ngoài đường bộ, đặc biệt là các dự án kết nối giữa các loại hình vận tải. Về cách thức đầu tư, Phó Thủ tướng gợi ý áp dụng phương pháp liên kết đầu tư giữa Nhà nước, các tổ chức tài trợ nước ngoài và doanh nghiệp.

Bảo An

Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)