Thông tin chúng tôi nhận được từ các siêu thị bán kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm thì lượng hàng tiêu thụ tăng hơn bình thường nhưng mua bán diễn ra trật tự, khách hàng giữ khoảng cách với nhau.
Trước đó, đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng đã cam kết cung ứng đủ hàng hóa, các siêu thị vẫn mở cửa. Theo đó, người dân yên tâm trước lệnh cách ly toàn xã hội, không cần tích trữ hàng bởi thành phố đã có kịch bản cung ứng đủ hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong thời gian này.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Aoen Mall Hà Đông, siêu thị Thành Đô (Hồ Tùng Mậu)…, người dân đến mua hàng có đông hơn nhưng quầy kệ luôn đầy ắp hàng hóa, giá cả không có nhiều biến động. Phần lớn người dân được hỏi cho biết mua ở mức vừa phải để hạn chế tối đa việc ra ngoài trong ít ngày tới.
Thông tin chúng tôi nhận được từ các siêu thị cũng cho biết, đã tăng cường nguồn cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu gấp 3-4 lần, bình ổn giá bán, tăng lượng hàng dự trữ, đảm bảo đủ lượng thực phẩm thiết yếu cung cấp cho người dân.
Tại các chợ truyền thống như chợ Cầu Diễn, chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công…, nguồn thực phẩm rau xanh, củ quả, thịt lợn… cũng rất dồi dào, giá bán không có nhiều biến động. Giá thịt lợn sấn có giá từ 140.000 – 160.000 đồng/kg, thăn nạc 170.000-180.000 đồng/kg; gà ta từ 130.000- 140.000 đồng/kg; giá thịt vịt 80.000-100.000 đồng/kg...
Quan sát của PV cho thấy, trước thông tin Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4, người dân cũng không còn tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ. Không còn cảnh tranh nhau mua thực phẩm như đợt đầu tháng 3.
Trong thời gian cách ly, người dân nên tăng cường hình thức mua sắm online để tránh gây tập trung đông người và đặc biệt cần bình tĩnh, tỉnh táo, thực hiện nghiêm yêu cầu của Chính phủ cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã sẵn sàng tâm thế ứng phó với các diễn tiến của dịch bệnh; chuẩn bị sẵn phương án cung cấp hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân trong 3 tháng quý II/2020 với tổng trị giá 129,544 tỷ đồng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án chuẩn bị nguồn tăng thêm từ 30 -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân; phân bổ hợp lý, không để thiếu hàng.
Theo Hà Anh (Giadinh.net.vn)