Vừa qua, cơ quan công an điều tra tỉnh Đăk Nông đã chính thức thông tin vụ việc phát hiện hàng chục tấn phế phẩm cà phê trộn đất, đá, nhuộm lõi pin đang gây hoang mang trong dư luận.
Theo đó, Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định, toàn bộ số hồ tiêu trộn hỗn hợp cũng như số lượng hỗn hợp chưa kịp pha trộn đã được cơ quan điều tra thu giữ, ngăn chặn kịp thời, các đối tượng chưa kịp bán ra thị trường làm thực phẩm ăn uống.
Theo thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đăk Nông, cơ sở của bà Loan hoạt động từ năm 2016, có giấy đăng ký kinh doanh thu mua nông sản. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá 2-3 mm và than pin trộn lại với nhau để tạo ra "sản phẩm hỗn hợp" bán kiếm lời. Quy trình nhuộm đen này do vợ chồng bà Loan tự nghĩ ra.
Vợ chồng Loan khai nhận chỉ mới bán 3 tấn sản phẩm này cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9.000 đồng/kg. Hai người này bán lại cho Phan Thị Dung (56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung) với giá 12.000 đồng một kg.
Sau khi mua về, bà Dung đã cho công nhân trộn hơn 1,5 tấn hỗn hợp vào hạt tiêu khô, nhằm tăng trọng lượng. Hồ tiêu chứa tạp chất này được đóng bao dự kiến bán cho các doanh nghiệp. Số còn lại (gần 1,5 tấn), sau khi cơ sở của vợ chồng Loan bị phát hiện, Dung đã chỉ đạo em chồng pha trộn với vôi, phân heo, ủ làm phân bón, sau đó đem đổ trong vườn cao su nhằm mục đích tẩu tán.
Tại kho nông sản của Dung ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước), cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ 9 tấn chứa hạt tiêu khô được trộn với sản phẩm mua từ cơ sở của bà Loan, đóng trong 360 bao. Ngoài ra, số hỗn hợp tẩu tán cũng được thu giữ.
"3 tấn hỗn hợp đã mua, bà Dung chưa chế biến ra bất cứ sản phẩm hồ tiêu nào bán ra thị trường", thượng tá Bình khẳng định.
Trả lời phóng viên về việc chất lượng hồ tiêu có bị ảnh hưởng sau “sự cố” này hay không, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản cho hay: “Đây chỉ là trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ và đã được phát hiện để truy xuất, triệu hồi và tiêu hủy. Các cơ quan điều tra cũng đã xác nhận hồ tiêu trộn tạp chất chưa bị tung ra thị trường nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng của hồ tiêu Việt Nam”.
Nhân đây, ông Tiệp cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn mua sản phẩm ở những nơi uy tín, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm để có sức răn đe với những cơ sở khác.
“Đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, thương hiệu của hồ tiêu cũng như cà phê Việt Nam. Tuy hồ tiêu bẩn chưa ra thị trường nhưng cần xử lý dứt điểm để tránh những vết xe đổ tiếp theo” – ông Tiệp nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng: “Hồ tiêu Việt Nam không bị ảnh hưởng gì bởi sự cố trộn tạp chất cà phê nhuộm pin, bởi sự việc này chỉ diễn ra trong năm 2018 và đã bị cơ quan điều tra ngăn chặn kịp thời. Vì thế người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng”.
"Tôi có thể khẳng định các loại tạp chất, kể cả phế phẩm cà phê ngâm bột pin để làm giả hạt tiêu, không thể nào lọt vào được các lô hàng hạt tiêu XK của Việt Nam. Bởi quy trình làm hạt tiêu XK hiện nay đủ khả năng loại bỏ được những tạp chất đó" - ông Hải cho biết thêm.
Ông Hải cũng khuyến cáo các hộ trồng cũng như các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hồ tiêu nên sớm đưa các tiêu chuẩn an toàn vào lộ trình trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Bởi theo ông Hải: “Khi đã có những quy chuẩn an toàn thì dù có xảy ra bất cứ sự cố nào thì thương hiệu vẫn được đảm bảo”.
Hạt tiêu được nông dân bán trực tiếp cho các đại lý thu mua, hoặc bán thông qua những người thu mua nhỏ lẻ khác rồi những người này bán lại cho đại lý thu mua. Sau đó, các đại lý sẽ loại bỏ tạp chất rồi phân loại sơ bộ theo từng dung trọng khác nhau. Các đại lý thu mua có thể bán tiêu trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc bán lại cho nhà cung ứng hạt tiêu xuất khẩu.
Dù là mua hạt tiêu từ đại lý thu mua hay qua nhà cung ứng chuyên nghiệp, các doanh nghiệp cũng phải loại bỏ tạp chất một lần nữa, rồi qua các công đoạn như thổi, rửa bằng hơi nước, sấy… trước khi cho hàng xuất đi. Với những công đoạn này, hầu hết tạp chất đều bị loại bỏ.
Theo Nguyễn Tố (Dân Việt)