Sau vụ phát hiện 1.200 điếu xì gà ngoại nhập lậu: Nhập nhèm quảng cáo 'trên trời'

25/09/2018 15:35:38

Theo tiết lộ của một người chuyên về xì gà (cigar), ngay ở Cuba thì cũng có một số loại xì gà chất lượng thấp phục vụ giới bình dân, thậm chí là hàng giả, nhái nên không phải cứ nghe quảng cáo xách tay từ bản xứ về đã là hàng xịn, hàng tốt.

Sau vụ phát hiện 1.200 điếu xì gà ngoại nhập lậu: Nhập nhèm quảng cáo 'trên trời'
Lực lượng chức năng ra quân thu giữ hàng nghìn điếu xì gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: PV

Tất cả đều là hàng xách tay?!

Ngày 24/9, thông tin đến Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Hùng Sơn - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, lực lượng chức năng vừa xử phạt hơn 60 triệu đồng đối với cơ sở Thắng Huyền Mobile số 36A Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội thuộc Công ty TNHH Công nghệ Phùng Anh do bà Bùi Thanh Hằng là người đại diện theo pháp luật.

Trước đó, Tổ công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) bất ngờ kiểm tra tại cơ sở nói trên và phát hiện hơn 1.200 điếu xì gà các loại không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ do nước ngoài sản xuất.

Điều đáng nói, ngay trong ngày 24/9, trong vai là một khách hàng, chúng tôi vẫn được nhân viên của cơ sở kinh doanh địa chỉ 36A Bà Triệu nói trên đon đả chào mời mua xì gà có nhãn mác tương tự lô sản phẩm mới bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sau khi đưa khách đi tham quan các loại xì gà đủ mẫu mã được trưng bày chật kín trong chiếc tủ kính, nam nhân viên giới thiệu đây toàn là xì gà xịn, xách tay từ Cuba hoặc mua từ các cửa hiệu miễn thuế ở các sân bay châu Âu… Ví dụ dòng Cohiba 52 có giá 15 -18 triệu đồng/hộp, Cohiba 54 là 17-20 triệu đồng/hộp và Cohiba 56 là 22 – 25 triệu đồng/hộp. Thậm chí, vẫn có những dòng xì gà dạng “bình dân” gắn mác Cohiba Club với giá 650.000/hộp 20 điếu.

Cũng theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, trên thị trường hiện nay, xì gà được quảng cáo rằng xách tay từ nước ngoài nhưng lại nhập nhèm về cả nguồn gốc lẫn chất lượng. Tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, sau khi biết nhu cầu của chúng tôi muốn mua xì gà để làm quà, nhân viên tư vấn lôi ra một loạt các lựa chọn để khách tham khảo, từ hộp 10 điếu, rồi 6 điếu tổng hợp, đến các hộp Siglo VI, Siglo V chỉ 3 điếu nhỏ gọn. Giá cả thì đủ loại, từ vài trăm nghìn đồng đến 7 - 8 triệu đồng/hộp.

“Tất cả đều là hàng xách tay về. Có cái từ Cuba, có cái lấy từ Đức, Anh… nên bên mình về hàng là đảm bảo luôn cho bạn”, nhân viên nhiệt tình tư vấn. Tuy nhiên, khi được hỏi đến hóa đơn thì người này đã gạt đi và cho rằng “đã là hàng xách tay thì lấy đâu ra hóa đơn”, hoặc “hàng đi biếu thì cần gì hóa đơn”(?).

Tiết lộ gây sốc của “con buôn”

Sau vụ phát hiện 1.200 điếu xì gà ngoại nhập lậu: Nhập nhèm quảng cáo 'trên trời' - 1
Nhân viên cơ sở kinh doanh trên phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) quảng cáo đủ các loại xì gà xách tay với giá “mềm”.

Qua một vài mối quan hệ, Long “khói” - người có thâm niên hút xì gà và cũng có một cửa hiệu cung cấp xì gà ở Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: “Xì gà làm gì có giá niêm yết nên mạnh ai nấy bán, giá nào cũng được. Một vốn 15 lời cũng có, miễn là gặp khách”.

Khi được hỏi về tình hình thị trường xì gà trong nước, anh này lẩm nhẩm một lúc rồi tuyên bố: “Trên 90% là hàng lậu, trên 60% là giả, nhái. Cứ xác định xì gà càng đắt tiền thì bị làm giả càng nhiều. Một số nhà hàng, quán bar thậm chí còn trộn hàng thật và giả để bán cho khách hàng. Nếu không phải là người sành về xì gà sẽ rất khó để phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật”.

Cũng theo Long “khói”, ngay ở Cuba thì cũng có một số loại xì gà chất lượng thấp phục vụ giới bình dân, thậm chí là hàng giả, nhái nên không phải cứ nghe quảng cáo xách tay từ bản xứ về đã là hàng xịn, hàng tốt. Bên cạnh đó, còn có các loại xì gà được một số người dân sản xuất nhái theo các nhãn hiệu của công ty xì gà nhà nước Cuba, lá thuốc để cuốn các loại xì gà này có chất lượng rất kém và là các lá thuốc rác thải từ các nhà máy sản xuất xì gà của nhà nước, một số người dân còn dùng cả lá chuối khô trộn với lá thuốc để làm lõi điếu xì gà. “Xì gà giả ở nước ta hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc về. Bên cạnh đó cũng có một số xưởng làm xì gà giả ở khu vực Thanh Hóa - Nghệ An nữa...”, Long “khói” chia sẻ.

Thực tế, nếu bán xì gà thật thì lãi sẽ không được bao nhiêu bởi phải gánh nhiều thứ chi phí như: Thuế nhập khẩu, chi phí cho vận chuyển, Hải quan… cộng với tốn kém cho giấy tờ hợp pháp rất rườm rà. Chỉ có bán xì gà giả mới “một vốn, bốn lời”. Bởi xì gà được sản xuất từ phế phẩm, lá thuốc đã tẩm ướp hóa chất, bề ngoài khó phân biệt nhưng chi phí sản xuất chỉ bằng 1/10 so với làm xì gà thật (vốn đòi hỏi rất khắt khe về kĩ thuật, nhân công, mất thời gian cho các công đoạn cần tỉ mỉ tuyệt đối).

Cũng theo tiết lộ, việc làm xì gà giả diễn ra tinh vi bằng những thay đổi rất nhỏ trên màu sắc, kích thước, cách cuốn, đường gân trên lá, nhãn hiệu, logo hay vỏ hộp. Thậm chí, trong một hộp nguyên bộ, 2/3 là hàng thật còn lại 1/3 bị trộn kèm những điếu rởm là điều phổ biến. Đánh vào điểm yếu thiếu hiểu biết, chủ yếu hút theo trào lưu và lơ mơ về công đoạn sản xuất xì gà của người Việt, thị trường xì gà giả cứ thế lộng hành một cách trót lọt.

Đưa xì gà vào danh mục mặt hàng cần “kiểm soát đặc biệt”

Cuối tháng 6/2018, Bộ Công Thương chính thức đưa xì gà vào danh mục những mặt hàng cần “kiểm soát đặc biệt”, nhằm tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép xì gà. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu việc kiểm soát xì gà được thắt chặt, các cửa hàng buôn bán xì gà nhập lậu vẫn cứ thể mọc lên trên những con phố lớn sau những lần nộp phạt. Và vẫn còn đó một thị trường xì gà online vẫn nhan nhản những lời quảng cáo, chào mời xì gà “bình dân” ngày ngày tập nập người mua kẻ bán mà chưa bị lực lượng chức năng xử lý.

Theo Nhóm PV (Giadinh.net.vn)