Sau Tết, lại “nhảy việc”

09/03/2015 13:30:09

Thông thường sau Tết Nguyên đán lại bùng phát tình trạng “nhảy việc”... Gần đây có hàng ngàn lao động tại các khu công nghiệp nhảy việc khi nhiều công ty rao tuyển lao động với số lượng lớn.

Thông thường sau Tết Nguyên đán lại bùng phát tình trạng “nhảy việc”... Gần đây có hàng ngàn lao động tại các khu công nghiệp nhảy việc khi nhiều công ty rao tuyển lao động với số lượng lớn.

Hiện nay, tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam đã thấy xuất hiện những tấm băng rôn tuyển mới lao động. Tuy nhiên, số lượng tuyển không nhiều như những năm trước và các ưu đãi cũng không hậu hĩnh bằng, mức chênh lệch thu nhập giữa các doanh nghiệp bị thu hẹp đáng kể.
 
Những thông tin cho thấy, nhu cầu tuyển mới lao động của phần lớn doanh nghiệp hiện đang là khá “khiêm tốn”. Nếu như 5-7 năm trước, có không ít doanh nghiệp đánh hẳn những chuyến xe về các địa phương để tuyển và đưa lao động vào nhà máy nhận việc ngay sau Tết, thì nay chuyện này không diễn ra.
 

Ra Tết, mới chỉ có khoảng 70-75% công nhân các doanh nghiệp da giày, dệt may đi làm trở lại. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), có thể trong tuần sau số công nhân tại các doanh nghiệp mới quay trở lại làm việc đầy đủ.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cho rằng, việc công nhân ngành dệt may, da giày luôn thiếu lực lượng sản xuất sau Tết đã trở thành “đặc thù” từ nhiều năm nay. Tùy theo chính sách đãi ngộ đối với người lao động của từng doanh nghiệp thực hiện trước Tết sẽ góp phần không nhỏ đến hiệu quả thu hút lao động trở lại làm việc đông đủ, thiếu hụt hay buộc phải tuyển mới.

Mặc dù nhiều chuyên gia dự đoán, tình hình sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp sẽ ổn định, nhưng theo một số chuyên gia thị trường lao động thì điều này không đồng nghĩa với việc nhiều lao động phổ thông sẽ ồ ạt nhảy việc như nhiều năm trước đây.

Trong khi đó, ở phân khúc nhân sự trung - cao cấp, tình trạng thiếu hụt vẫn đang tiếp diễn ở nhiều doanh nghiệp và có khả năng sẽ còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Theo công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search, nhu cầu về nhân sự cấp trung và cấp cao cho khối sản xuất đang rất “nóng”.

Trong năm 2014, Navigos Search phía Nam đã cung cấp hơn 100 vị trí công việc cao cấp cho các nhà máy tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... Mức lương trả cho các vị trí này dao động từ 4.000-12.000 USD/tháng.

Về nhân sự trung cấp cho khối sản xuất, công ty cung cấp hàng trăm người, mức lương họ được trả từ 1.000-4.000 USD/tháng. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhân sự Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Navigos Search không tuyển đủ kỹ sư và quản lý cấp cao cho nhiều dự án lớn, như Microsoft Mobile của Microsoft Việt Nam và dự án Samsung Display của Samsung Việt Nam. Với phân khúc nhân sự trung - cao cấp, cơ hội mở ra khá nhiều, nhưng không dễ tìm được người đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Qua trao đổi với một số công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, hầu hết ý kiến đều cho rằng, ngoại trừ những doanh nghiệp quá bết bát, thường xuyên nợ lương không đủ khả năng đảm bảo việc làm ổn định, còn phần lớn người lao động không có ý định “nhảy việc” trong năm nay.

Có hai lý do chính, thứ nhất là sau thời gian sản xuất đình đốn, hiện giờ công việc đã dần trở lại ổn định – với họ đó là một điều may mắn. Bởi công việc ổn định chính là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy thu nhập và đời sống của người lao động cũng sẽ ổn định và nâng dần lên.

Thứ hai, giữa lúc nhu cầu tuyển lao động mới của phần lớn doanh nghiệp không nhiều, không có những yếu tố thật sự hấp dẫn, nếu có “rao” thì cũng không đáng tin, thì hành động nhảy việc là hết sức mạo hiểm.

Nhìn chung, tâm lý của số đông công nhân đang là cần có sự ổn định. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của đại đa số chủ doanh nghiệp, nên giữa họ dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao của Talentnet, hiện nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cho các doanh nghiệp vốn FDI tăng mạnh, ước tính gần 30% so với những năm trước. Nhu cầu tuyển dụng ở lĩnh vực sản xuất là thật sự, nhân sự làm việc có độ ổn định. Còn ở lĩnh vực thương mại, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng nhưng là tăng ảo do đặc tính nhảy việc trong lĩnh vực này.

Theo nhận xét của giới chuyên gia, nhân sự trung - cao cấp của Việt Nam có chuyên môn tốt, học hỏi nhanh, nhưng yếu về ngoại ngữ, về tính hệ thống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, giải quyết vấn đề.

Ở những vị trí cấp cao, nhân sự người Việt còn thiếu những người có khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc. Đó là những điều cần sớm bổ khuyết, khắc phục. Ý kiến khá thống nhất trong giới chuyên gia, cần hạn chế tối đa hiện tượng nhảy việc, duy trì sự ổn định để chờ đón những cơ hội mới.

Theo Tâm Niệm (VnEconomy.vn)

Nổi bật