Trong nhóm 30 cổ phiếu trụ cột VN-30, chỉ có Hòa Phát (HPG) và Ngân hàng BIDV (BID) giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ, còn lại đều giảm điểm, với nhiều mã giảm mạnh như GAS, Masan, Thế Giới Di Động, VietJet, PNJ, Vinhomes, Vingroup…
Tới 9h20, VN-Index giảm hơn 20 điểm, trong khi chỉ số VN30-Index giảm hơn 23 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index và Upcom-Index tăng nhẹ.
Áp lực bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận các thông tin không mấy tích cực trên thị trường tài chính quốc tế.
Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch 26/4 (rạng sáng 27/4 giờ Việt Nam) giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 810 điểm (tương đương giảm 2,4%, trong khi đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm gần 4%.
Chứng khoán Mỹ giảm trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm, ở mức 8,5% trong tháng 3 vừa qua. Đồng USD tăng mạnh và gây áp lực lên các kênh đầu tư khác.
Kinh tế thế giới cũng đứng trước triển vọng kém tươi sáng với rủi ro từ đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Nga và Ukraine.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không hề muốn thắt chặt chính sách tiền tệ mà kết quả là kìm hãm kinh tế hồi phục nhưng dường như không còn cách nào khác ngoài việc phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất để chống lạm phát.
Trung Quốc đang gồng mình ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid với một cuộc đua xét nghiệm bắt buộc đối với 20 triệu dân của Bắc Kinh. Nhiều người lo ngại thủ đô của Trung Quốc cũng sẽ bị phong tỏa như những gì diễn ra ở Thượng Hải.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên liền trước 26/4 đã có một cú lội ngược dòng ngoạn mục với cú tăng 30 điểm khi kết thúc phiên sau khi đã giảm 50 điểm trong buổi sáng. Trong phiên 25/4, chỉ số VN-Index giảm hơn 68 điểm. Trong 3 tuần qua, chỉ số này đã giảm khoảng 200 điểm, từ mức đỉnh 1.524 xuống 1.323 như hiện tại.
Thanh khoản thấp, sự thận trọng vẫn còn
Chiều 26/4, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Công an và tinh thần không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế một lần nữa được thống nhất cao.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đợt điều chỉnh tương đối mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan.
Theo đó, áp lực lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm. Xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh,… Điều đó đã tác động tới nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.
Chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý I và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 sau quá trình dài liên tục tăng. Ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, thị trường chứng khoán còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo Rồng Việt VDSC, dòng tiền bắt đáy còn thận trọng. Theo đó, trong phiên 26/4, đối diện với vùng hỗ trợ tốt trong quá khứ 1.250-1.300 điểm cùng với áp lực cung dần suy yếu, VN-Index đã có một phiên xoay chuyển “mát lòng” nhà đầu tư. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền bắt đáy còn thận trọng và không dàn trải toàn thị trường. Dự kiến thị trường sẽ tranh chấp mạnh trong phiên giao dịch tiếp theo, nhưng vẫn có thể kỳ vọng vùng mục tiêu 1.390 +/– 10 điểm đối với VN-Index trong thời gian tới. Nhịp hồi phục cũng là cơ hội để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Theo M. Hà (VietNamNet)