Sau Grab, đến lượt Gojek tăng giá cước

13/12/2020 06:50:00

Quyết định tăng giá của Gojek được áp dụng một tuần sau khi Nghị định 126 có hiệu lực vào ngày 5/12. Trước đó, Grab đã tăng giá ngay từ ngày 5/12.

VTC News đưa tin, từ 0h ngày 12/12, Gojek điều chỉnh tăng giá cước từ 8 - 10% các dịch vụ GoRide, GoSend và GoFood tại TP.HCM và Hà Nội.

Tại Hà Nội, cước phí 2 km đầu tiên dịch vụ xe ôm (GoRide) tăng 1.000 đồng, lên 13.000 đồng. Giá cước sẽ tăng từ 4.000 lên 4.400 đồng cho mỗi km (sau 2km đầu tiên). Các mức tăng này tương đương với tỷ lệ hơn 8,3-10%.

Tương tự, tại TP.HCM, Gojek cũng tăng cước 2 km của GoRide từ 10.000 lên 11.000 đồng. Mỗi km tiếp theo (sau 2 km đầu tiên) tăng giá từ 3.600 lên 4.000 đồng mỗi km.

Đối với dịch vụ GoSend ở Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng giá 15.000 đồng với cự ly dưới 2km. Ở kilômet thứ 2 trở đi, giá sẽ tăng 1.000 đồng, từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng.

Sau Grab, đến lượt Gojek tăng giá cước
Sau Grab, Gojek cũng tăng giá cước tại Hà Nội và TP.HCM.

Đối với GoFood, dưới 3km sẽ áp dụng mức giá 15.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước đó. Từ kilômet thứ 3 trở đi, giá áp dụng 4.000 đồng/km sẽ lên 5.000 đồng/km.

Bên cạnh đó, Gojek sẽ thu phụ phí ban đêm 10.000 đồng đối với dịch vụ GoRide từ 22h đến 6h ngày hôm sau, phụ phí này sẽ khấu trừ 20% phí dịch vụ.

Tương tự, GoFood sẽ thu phí gửi xe 5.000 đồng/đơn hàng (áp dụng cho những đơn hàng trong trung tâm thương mại và không khấu trừ thuế 20% phí dịch vụ) và sẽ thu phụ phí ban đêm từ 23h đến 6h hôm sau với giá 10.000 đồng/đơn hàng.

Động thái này được Gojek đưa ra sau khi Nghị định 126 - thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ - có hiệu lực.

Gojek cho biết giá cước này đã bao gồm các loại thuế hiện hành, tỉ lệ khấu trừ với tài xế trên toàn bộ tổng doanh thu từ chuyến xe sẽ được điều chỉnh tương ứng, bao gồm thuế giá trị gia tăng và mức phí dịch vụ 20%.

Gojek sẽ hoàn lại lần lượt từ 1-2% đối với đơn hàng GoRide, GoFood dựa trên tổng doanh thu từ chuyến xe - phí nền tảng. Số tiền này sẽ được gửi vào ví của tài xế vào thứ năm hằng tuần.

Theo Zing, trước đây khi Gojek và tài xế chia sẻ doanh thu trước rồi mỗi bên mới đóng VAT theo thuế suất riêng cho doanh nghiệp (10%) và cá nhân kinh doanh (3% nếu doanh thu trên 100 triệu/năm).

Phần chia sẻ doanh thu của mỗi bên không đổi, vẫn là 20% thuộc về ứng dụng và 80% cho tài xế. Gojek vẫn đóng 10% VAT trên 20% doanh thu chia sẻ của mình. Điểm khác là ứng dụng sẽ thu hộ 10% VAT trên 80% doanh thu chia sẻ của tài xế để đóng đủ VAT của giá trị cuốc xe.

Sau Grab, đến lượt Gojek tăng giá cước - 1
Giá cước điều chỉnh của Gojek tại Hà Nội.

Như vậy, doanh thu cuốc xe (DTCX) sau ngày 5/12 bằng doanh thu sau thuế VAT (DTST) cộng 10% VAT. Do DTCX = DTST + 10%*DTST = 1,1*DTST nên DTST=DTCX/1,1. Tài xế sẽ nhận được 80%*(DTCX/1,1)=72,727%*DTCX.

Vì vậy, tỷ lệ khấu trừ mới trên mỗi cuốc xe Gojek áp dụng là 27,273% thay vì 20% như trước, giống với Grab. Con số chênh lệch 7,273% chính là phần thuế VAT tính trên 80% doanh thu của tài xế được Grab thu hộ, nộp ngân sách.

Các tài xế có doanh thu trên 100 triệu/năm sẽ chịu thêm thuế thu nhập cá nhân (PIT) 1,5% trên tổng doanh thu của mình. Quy định này không thay đổi.

Sau Grab, đến lượt Gojek tăng giá cước - 2
Tỷ lệ khấu trừ của Gojek thay đổi từ ngày 12/12/2020.

Trước đó, hôm 7/12, nhiều tài xế mặc áo GrabBike tại TP.HCM và Hà Nội diễu hành phản đối chính sách tăng giá cước, tăng tỷ lệ khấu trừ của Grab. Tổng cục Thuế yêu cầu Grab không lấy lý do thực hiện Nghị định 126 để điều chỉnh giá cước, tỷ lệ khấu trừ.

Phía Grab ngày 10/12 tổ chức đối thoại với đại diện các tài xế GrabBike. Một số tài xế cho rằng sau khi áp dụng giá cước, tỷ lệ khấu trừ mới, thu nhập của họ sụt giảm. Họ đề xuất Grab thực hiện như chính sách cũ trước ngày 5/12.

Tuy nhiên, đại diện Grab cho biết sẽ không thay đổi tỷ lệ khấu trừ hiện tại để tuân thủ quy định mới.

Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật