Sau giải cứu lợn, sẽ giải cứu... cam, bưởi?

13/06/2017 13:44:00

Lý giải chuyện dư thừa lợn thời gian qua, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, trong khi sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Còn đại biểu Quốc hội dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì trồng quá nhiều.

Lý giải chuyện dư thừa lợn thời gian qua, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, trong khi sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Còn đại biểu Quốc hội dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì trồng quá nhiều.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường "mở màn" phiên chất vấn sáng nay.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ căn cứ đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi khi dự kiến đến năm 2016 thị trường mới có 27 triệu con lợn nhưng thực tế vừa qua đã xảy ra khủng hoảng dư thừa, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) khẳng định người sản xuất đã lỗ đến 50% chi phí nhưng không rõ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các giải pháp gì trong ngắn hạn và sẽ có giải pháp căn cơ nào để giải quyết triệt để vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội chất vấn về vấn đề "giải cứu lợn" (Video: Xuân Ngọc)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng trong 8 giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp thì chủ yếu chỉ có “đẩy mạnh”, “rà soát”, “tăng cường”,...

"Đây có phải là giải pháp? Liệu có thể coi câu chữ đó là giải pháp? Liệu người nông dân ngoài việc phụ thuộc vào "ông trời thứ nhất" là thời tiết, sẽ không bị phụ thuộc vào 'ông trời' thứ hai là giá cá lên xuống đỏng đảnh?"- bà Thúy đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thực trạng năng suất giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng và công tác tạm nhập, tái xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu. Việc giải quyết cơ chế xin cho đối với doanh nghiệp hoạt động công nghiệp cao sẽ được giải quyết như thế nào để nguồn vốn ưu đãi được tận dụng một cách hiệu quả.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mục tiêu nòng cốt của ngành nông nghiệp trong giai đoạn này là đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Gói 100.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng là để hỗ trợ ngành.

"Sau khi có chủ trương này, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai tinh thần này. Bộ đã hình thành các bộ tiêu chí đánh giá để hướng vào những phân khúc sản xuất mà có thị trường tiềm năng. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 8 ngân hàng thương mại với 120.000 tỉ đưa vào gói này. Đã giải ngân được trên 30.000 tỉ cho các dự án, cho các khu vực sản xuất... Tuy nhiên, tài sản hình thành trên đất chưa được hoàn thiện tư cách pháp lý để trở thành tài sản thế chấp, Bộ Nông nghiệp đang phối hợp cùng các bộ khác xử lý vấn đề này"- ông Cường cho hay.

Về khủng hoảng thừa lợn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân chính là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Hiện nay không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vài năm qua. Trong đó riêng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng...

Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về khủng hoảng thừa lợn (Video: Xuân Ngọc)

“Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ”-ông Cường thông tin.

Trong khi đó cơ cấu về thực phẩm trong bữa ăn ở Việt Nam đã thay đổi. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế như thịt bò, trứng, thịt gà,... Theo ông Cường, thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung.

Nguyên nhân thứ hai khiến xảy ra tình trạng dư thừa như thời gian qua, theo ông Cường là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm; trong khi đó đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ

“Khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện nay thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được”- ông Cường nhìn nhận.

Xin tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đánh giá Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chưa thuyết phục trong việc “giải cứu lợn”. Khi chúng ta cho rằng người sản xuất tự phát thì chưa thấy vai trò quản lý Nhà nước như dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo... cho nhà sản xuất như thế nào.

Vị đại biểu đoàn Bình Dương dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì nơi ông ứng cử nông dân đang trồng rất nhiều.

Trong khi đó, đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) đánh giá việc phát triển chăn nuôi lợn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên khi nông dân gia tăng quy mô chăn nuôi thì nhà quản lý chưa hề có cảnh báo và đã để xảy ra việc thừa lợn.

Bao nhiêu luận án tiến sĩ nông nghiệp được ứng dụng?

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng Bộ Nông nghiệp và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp về đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng không rõ Bộ trưởng có nghĩ tới đất, nước ngầm bị ô nhiễm. Nếu việc này không được đánh giá đúng và xử lý thì có thể giải quyết tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm không? Việt Nam có đủ trình độ xử lý ô nhiễm đất nông nghiệp không?

Đại biểu Nguyễn Chiến

Đại biểu Nguyễn Chiến

“Trong 4.000 luận án tiến sĩ được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia thì luận án tiến sĩ liên quan tới ngành nông nghiệp được chấm điểm xuất sắc có bao nhiêu cái được đưa ra ứng dụng thực tiễn?”- ông Chiến đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đảm bảo xử lý môi trường để đảm bảo có sản phẩm nông nghiệp sạch là yêu cầu đặt ra cần kíp. Chúng ta có diện tích đất canh tác tốt, nhưng thuỷ vực bị ô nhiễm thì cũng khó có sản phẩm sạch.

“Muốn có nông sản sạch thì phải đi từ gốc, từ đất và nước”-ông Cường nói.

Chia sẻ với với thực tế hầu hết các con sông nội đô Thủ đô Hà Nội hiện đang bị ô nhiễm, ông Cường cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Hà Nội thì mới có giải pháp căn cơ, chứ làm cắt khúc từng bộ sẽ không hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chiến về việc đất nước có hàng ngàn tiến sĩ ngành nông nghiệp nhưng ứng dụng được tới đâu, ông Cường nhấn mạnh quan hệ giữa nhà khoa học và người nông dân trong chủ trương liên kết bốn nhà.

“Đã có nhiều nhà khoa học kết hợp với nông dân, có những ứng dụng rất tốt. Chúng tôi mong muốn mời đại biểu Nguyễn Chiến phối hợp với chúng tôi để giúp cho mối quan hệ bốn nhà thật tốt”- ông Cường nói.

Chia lửa với ông Cường trong chuyện “giải cứu thịt heo” thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định quy hoạch phải gắn theo nhu cầu thị trường. Nuôi lợn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nên chỉ có thể tiếp tục phát triển nếu làm tốt công tác thị trường. Tuy nhiên thị trường cho mặt hàng này hiện nay còn nhiều tồn tại.

Theo ông Trần Tuấn Anh, nếu làm tốt khâu đầu ra giảm thiểu thuế quan nhập khẩu về 0%, sẽ có dư địa để xuất khẩu thịt lợn. Trong năm 2016 đã có 4 đoàn của Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc là phải tuyên bố vùng chăn nuôi ở Việt Nam không có dịch lở mồm long móng. Với Trung Quốc, không chỉ thịt lợn mà thuỷ sản, thực phẩm của Việt Nam cũng đang xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không bền vững. Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng khó hạn chế được việc tạm nhập tái xuất.

Bên cạnh đó, giá cũng phải cạnh tranh. Với 10,6 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, giá thịt lợn của Việt Nam hiện đang cao hơn ở Mỹ và một số quốc gia khác nếu nhập khẩu vào Việt Nam.

Đang điều tra tàu vỏ thép hư hỏng

Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt vấn đề rất nóng thời gian qua là nhiều tàu vỏ thép của ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng xong, ra khơi được vài chuyến đã hư hỏng, nhiều tàu phải nằm bờ, để lại nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này?.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc đầu tư đội tàu đánh bắt xa bờ là thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện.

Đến nay cả nước có 235 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện đóng tàu và đến giờ đã đóng được 666 tàu (vỏ sắt, gỗ, composit), trong đó có 297 tàu sắt công suất lớn, phục vụ vươn khơi. Theo các tỉnh báo cáo, nhìn chung các chuyến ra khơi đã phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn. Ngư dân ở Nam Định, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu đều báo về là làm ăn có lãi khi có tàu mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận đã xuất hiện có tàu hư hỏng ở tỉnh Bình Định, Phú Yên. Trong đó, tỉnh Bình Định có 19 chiếc hỏng. Ngay khi phát hiện, Bộ Nông nghiệp đã ra các văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Tỉnh Bình Định đã mời ngư dân và hai đơn vị đóng tàu để đối chất, làm rõ vấn đề.

“19 tàu hỏng ở Bình Định thuộc hai công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu. Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu hai công ty này không được đóng mới nữa, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, các tàu hỏng về sắt phải thay sắt đúng chất lượng. Tàu chưa sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu lại, không để người dân nhận số tàu này”- ông Cường thông tin.

Theo ông Cường, địa phương cũng đã thành lập cơ quan thẩm định độc lập, cả chuyên gia độc lập, đánh giá xem 19 tàu hỏng hóc có nguyên nhân là gì. Đến nay địa phương cũng đã mời công an vào cuộc làm rõ và đang chờ kết quả điều tra.

Đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) xin tranh luận tiếp về chuyện tàu thép nằm bờ. “Địa phương đang làm những việc Bộ chỉ đạo rồi, nhưng các doanh nghiệp đóng tàu đó là do Bộ giới thiệu cho địa phương. Vậy thì trách nhiệm của Bộ ở đâu?”-đại biểu đặt câu hỏi.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định sau khi có kết luận cuối cùng về nguyên nhân thì sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm. Đây là chủ trương lớn, nếu có vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện, dù là tổ chức, cá nhân hay ở khâu nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo Thế Kha (Dân Trí)

Nổi bật