Ông Phạm Nhật Vượng bị soán ngôi giàu nhất sàn chứng khoán nhưng 100% tài sản vẫn đến từ cổ phiếu VIC. Trong khi tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chỉ 2,9 từ FLC, 97% đến từ ROS.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc ông Phạm Nhật Vượng mất ngôi người giàu nhất sàn chứng khoán Việt là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đang có đà giảm giá trong những phiên gần đây.
Theo đó, tính trong 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu VIC đã giảm 4,7%, tương đương mức giảm 2.100 đồng/cổ phiếu. Tính theo khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, Tập đoàn Vingroup đã "bốc hơi" hơn 5.500 tỷ đồng vốn hóa. Nắm giữ 26,45% vốn tại Vingroup, riêng khối tài sản của cá nhân tỷ phú Vượng hiện tại đạt 30.986 tỷ đồng, kém ông Trịnh Văn Quyết vỏn vẹn 19 tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng một lần nữa bị soán ngôi giàu nhất sàn chứng khoán bởi ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn. |
Về phần mình, khối tài sản của ông chủ Tập đoàn FLC sau giai đoạn thăng hoa vào nửa đầu năm 2017, có lúc lên tới gần 50.000 tỷ đồng, đã có dấu hiệu chững lại từ đầu tháng 6 khi cổ phiếu ROS liên tục lao dốc.
Tuy nhiên, thị giá ROS bắt đầu tăng trở lại trong những phiên giao dịch gần đây khi tăng liên tiếp 0,5% trong 7 phiên giao dịch gần nhất, giúp khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bứt phá trên sàn chứng khoán. Cùng với đó, việc sở hữu 4,67% vốn tại CTCP chứng khoán Artex, đơn vị mới niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng đóng góp phần nhỏ vào khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.
Hiện tại, trong cơ cấu tài sản trên sàn chứng khoán của hai tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, 100% tài sản của tỷ phú Vượng đến từ cổ phiếu tại Vingroup, trong khi khối tài sản của ông chủ tập đoàn FLC có 2,9% đến từ cổ phiếu FLC; 0,1% đến từ cổ phiếu Artex và 97% là đến từ FLC Faros.
Ông Phạm Nhật Vượng đòi lại ngôi đầu giàu nhất sàn chứng khoán từ những phiên giao đầu tháng 6 vừa qua khi cổ phiếu VIC tăng nhẹ trong khi ROS lao dốc. Đến nay, sau gần 3 tháng tại vị, ông Phạm Nhật Vượng lại một lần nữa bị ông chủ tập đoàn FLC soán ngôi.
Hai vị tỷ phú của sàn chứng khoán Việt từ cuối năm 2016 đến nay đã tạo ra nhiều cuộc soán ngôi người giàu nhất sàn chứng khoán. Nguyên nhân những lần lên rồi lại xuống của hai vị tỷ phú này chính là sự biến động khó lường của thị trường chứng khoán Việt.
Như đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối mỏng manh và rất dễ chiu tổn thương từ những thông tin tích cực hoặc không tích cực đến thị trường.
Trước đó, nhiều đại gia cũng từng sở hữu khối tài sản khổng lồ trên sàn chứng khoán nhưng cũng từ những biến động của thị giá cổ phiếu nắm giữ mà dần vắng bóng trên thị trường như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT; ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Kinh Bắc hay ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai…
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)