Không chỉ có dưa hấu ở Quảng Ngãi, hành ở Trà Vinh... bị ế ẩm, những vùng mía tím bạt ngàn ở Hòa Bình cũng đang chung số phận.
Trồng mía cho… bò ăn
Mía ế, sụt giá nhiều người đưa mía ra bán ven QL6 và đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Tùng |
Tương tự, anh Bùi Văn Tiệp, xóm Cành, xã Bình Chân (Lạc Sơn) trồng gần 2 mẫu mía, theo anh Tiệp chưa có năm nào mía lại tiêu thụ chậm và mất giá như năm nay. Anh Tiệp buồn rầu nói: “Năm ngoái giá mía dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/cây, trừ chi phí tôi lãi gần 100 triệu đồng, nay chỉ lãi được vài chục, đó là mía tôi đẹp. Nhiều nhà còn lỗ, may ra thì hòa vốn”.
Cần quy hoạch lại vùng mía
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân mía tím năm nay mất mùa, mất giá do thời tiết không thuận lợi. Khi người dân trồng mía thì gặp hạn hán nên cây xấu và khi đến kỳ thu hoạch một phần do lượng cung quá lớn (do các địa phương đua nhau trồng, không có quy hoạch rõ ràng), một phần do thương lái ép giá, dẫn đến hiệu quả của cây mía thấp…
Về vấn đề này, ông Vũ Quang Hùng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Lạc thừa nhận giá mía năm nay ở Tân Lạc sụt giảm đáng kể, nguyên nhân cơ bản do địa phương chưa quy hoạch được vùng mía, người dân trồng tự phát khắp nơi dẫn đến cung vượt cầu. Trước tình trạng này, huyện đã và đang cùng các địa phương rà soát lại diện tích mía và các vùng có thể trồng mía tốt để đưa vào quy hoạch. “Một mặt chúng tôi đang nhờ UBND tỉnh, Sở KHCN tiến hành xong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho cây mía để nâng giá trị, một mặt yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc trồng mía theo quy hoạch, tìm đầu mối tiêu thụ để bớt sự lệ thuộc vào thương lái” – ông Hùng cho hay.
Ông Vương Đắc Hùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình cho biết, cây mía tím đã được tỉnh xây dựng quy hoạch giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, hiện Sở NNPTNT và Sở KHCN đang phối hợp để xây dựng thương hiệu cho cây mía tím. “Trên thực tế những năm gần đây cây mía tím đã giúp cho nhiều người dân ở Hòa Bình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Song cũng chính vì hiệu quả kinh tế của nó mà nhiều nơi đua nhau trồng, dẫn đến cung vượt cầu, lợi dụng việc này thương lái đã ép giá xuống. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung chỉ phát triển ở những vùng thuận lợi, lấy chất lượng là chính, chứ không chạy theo số lượng, tránh tình trạng được mùa mất giá” – ông Vương Đắc Hùng cho biết.
Theo Nam Tùng Sơn (Dân Việt)