Theo TTXVN, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Tham dự điện đàm có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.
Bình luận về sự kiện này trên mạng xã hội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Aksornsri Phanishsarn, Khoa Kinh tế thuộc ĐH Thammasat - (ĐH hàng đầu Thái Lan, xếp hạng QS 596 toàn cầu) nhận định cuộc điện đàm cho thấy những tín hiệu tích cực.
"Ông Trump hài lòng và nói rằng "một cuộc gọi rất hiệu quả", nữ PGS đã dẫn lại lời mà ông Trump đã nêu trong bài viết trên mạng xã hội Truth.
Bà cũng nhấn mạnh "Vai trò của lãnh đạo đất nước trong thời điểm khủng hoảng là vô cùng quan trọng".
Nữ PGS cho rằng, Việt Nam đang có 2 điểm tựa, cũng là thế mạnh giúp đất nước vươn lên.
Theo bà Aksornsri Phanishsarn, điểm tựa - thế mạnh thứ nhất, là Việt Nam đang có những nhà lãnh đạo giỏi giúp đi đất nước đi lên."Các nhà lãnh đạo Việt Nam có tâm, có tầm, dám hành động, có sự sắc sảo để điều chỉnh, quản lý vấn đề/xóa bỏ điểm yếu và có mục tiêu vững chắc, chiến lược dài hạn kiên định".
Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Trước đó, chuyên gia này đã nhiều lần dành lời khen cho lực lượng lao động của Việt Nam. Theo bà, người Việt rất siêng năng, khát khao thành công. Và một điều nữa là người Việt Nam có tinh thần đoàn kết và ai cũng yêu nước nhiệt thành, bền bỉ.
Việt Nam khẳng định "Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên không thay đổi"
Trước đó, sáng 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.
Cạnh đó, trên báo Chính phủ, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã có bài viết dài khẳng định: Lịch sử kinh tế Việt Nam đã từng trải qua nhiều cú sốc – từ cấm vận, khủng hoảng tài chính, thiên tai, dịch bệnh cho đến những thay đổi chính sách bất ngờ từ đối tác lớn…
Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, nếu năm đầu tiên chịu tác động của đại dịch COVID-19, năm 2022 là cuộc xung đột ngay tại châu Âu, năm 2024 là siêu bão Yagi thì ngay đầu năm 2025 là cú sốc thuế.
Nhưng mỗi lần như vậy, chúng ta đều đứng vững và thậm chí vươn lên mạnh mẽ hơn.
"Việt Nam vẫn luôn lựa chọn con đường hòa bình, hợp tác, đối thoại. Không có cánh cửa nào thực sự khép lại khi các bên còn giữ được thiện chí và tôn trọng lẫn nhau", TS Dũng nêu.
Hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt chính sách thuế mới. Mức thuế "cơ bản" áp dụng với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là 10%. Một số quốc gia nằm trong nhóm này gồm Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina, Saudi Arabia...
Liên minh Châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế từ 20-26%. Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất, lần lượt 34% và 46%.
Theo Dy Khoa (Nguoiduatin.vn)