Khó khăn nhưng không chùn bước
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề kinh doanh, thậm chí không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể do quá khó khăn. Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch phải kể đến như: Du lịch, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải, trông giữ trẻ… Tuy nhiên, khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng hồi cuối tháng 4, nhiều phương án kinh doanh đã được doanh nghiệp, người dân lập ra để phục hồi kinh tế.
Chia sẻ với PV, đại diện chuỗi nhà hàng Lẩu nấm T.A (Hà Nội) cho biết: "Trước Tết Nguyên đán, việc kinh doanh của chúng tôi rất tốt; đặc biệt sau Tết có thêm cơ sở mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Doanh thu những tháng dịch bằng 0, trong khi đó mỗi tháng vẫn phải trả hàng loạt chi phí". Vị đại diện này cũng cho biết, tuy chuỗi nhà hàng làm ăn khó khăn nhưng vẫn hỗ trợ 50% lương cho người lao động tại các chi nhánh.
"Thời điểm dịch bệnh hoành hành, dù nghỉ làm nhưng tất cả người lao động hợp đồng với chúng tôi như: Đầu bếp, bộ phận marketing, quản lý, nhân viên phục vụ… đều được hỗ trợ 50% thu nhập. Vì vậy, khi hoạt động trở lại, vấn đề nhân sự của chúng tôi không bị ảnh hưởng. Qua hơn 1 tháng mở cửa trở lại, chúng tôi nhận thấy lượng khách đã đạt 90% so với thời điểm này năm ngoái", vị đại diện này nói.
Anh Lê Mạnh Hùng, chủ một quán cà phê trên đường Linh Lang (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết: "Thời gian tạm đóng cửa vì dịch bệnh khiến tôi và gia đình gặp khó khăn bởi ngoài tiền thuê mặt bằng thì tiền điện, tiền công, tiền lãi ngân hàng… đều phải chi trả. Tuy nhiên, từ khi mở cửa trở lại, do nắng nóng nên lượng khách đến quán khá đông, cũng giúp quán tăng thêm doanh thu".
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tính trú tại Nam Định làm nghề chạy xe taxi công nghệ, vui mừng nói: "Lái taxi là một trong những ngành nghề "nhạy cảm" tại thời điểm COVID-19 bùng phát bởi mỗi ngày lái xe tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều thành phần nên cũng đôi chút lo lắng. Đến nay, khi dịch bệnh được khống chế, lượng khách nhiều hơn, đặc biệt Sở GTVT cũng gỡ bỏ hàng loạt biến cấm xe dịch vụ dưới 9 chỗ trên các tuyến phố nên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho anh em hành nghề".
Biến khó khăn thành cơ hội
Các loại hình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, vận tải… đã và đang tự tìm cách tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, để thu hút khách sử dụng dịch vụ, hàng loạt chương trình kích cầu được đưa ra ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Chia sẻ với PV, đại diện một nhà hàng kinh doanh lẩu cho biết: "Chúng tôi có chương trình ưu đãi cho khách hàng. Nếu khách hàng đặt bàn qua Facebook, hoặc gọi điện trước đều được giảm giá 20% trên tổng hóa đơn. Ngoài ra, khách tổ chức sinh nhật, tổ chức liên hoan đều có những phần quà như: vaucher, quà tặng trực tiếp hoặc giảm trừ tiền mặt vào hóa đơn".
Anh Hùng Long, đại diện một trường mầm non tư thục ở khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết: "Dù nhà trường gặp khó khăn về kinh tế trong suốt thời gian qua, nhưng chúng tôi vẫn đưa ra nhiều chính sách đối với việc thu hút học sinh mới, như: Giảm giá 3 tháng học đầu tiên, hỗ trợ tiền đồng phục, hỗ trợ cha mẹ đón muộn dưới 1 tiếng…".
Tại Hà Nội, đối với dịch vụ vui chơi, giải trí… từ ngày 16/5, Công viên nước Hồ Tây cũng đã mở cửa đón khách dịp hè, muộn hơn nửa tháng so với mọi năm. Tuy nhiên, để kéo khách đến vui chơi, giải trí… đơn vị này đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi như: Đồng giá vé trọn gói công viên chỉ 130.000 đồng vào thứ Bảy, Chủ nhật; giá 110.000 đồng các ngày thường và sau 17h, giá vé chỉ còn 90.000 đồng.
Trong khi đó, Công viên Thiên đường Bảo Sơn cũng đưa ra hàng loạt chương trình hấp dẫn như: Chào hè, mừng Quốc tế Thiếu nhi 1/6… Theo phía công viên công bố, có những ngày trong đầu tháng 6 này đã đón hàng nghìn lượt khách.
Có thể nói, du lịch là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 gây ra. Thời điểm mùa hè là cơ hội để du lịch bứt phá. Phát biểu tại một hội nghị do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được khống chế nhưng ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cũng theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, để phục hồi ngành cần nhiều việc làm cụ thể như cần kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn để mang tính cộng hưởng, lan toả. Ông Khánh nói: "Đây là thời điểm các tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện vai trò dẫn dắt. Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu du lịch".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 chỉ đạo các Bộ, ngành kịp thời triển khai các giải pháp như: Giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị tương đương gần 22 tỷ USD.
Lê Bảo (Giadinh.net.vn)