Thaco đã rót hơn 1 tỷ USD cho HAGL Agrico
Theo chia sẻ gần đây của ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), số vốn rót vào CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán HAG) đã hơn 1 tỷ USD, tương ứng hơn 22.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư.
Cụ thể, Thaco đã chi 7.800 tỷ đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi CTCP Nông nghiệp HAGL Agrico (mã chứng khoán HNG) chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu và nghiệp vụ mua cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35%.
Về giao dịch cổ phiếu, ông Trần Bá Dương (và Công ty Trân Oanh) đã chi 1.000 tỷ mua vào 50 triệu cổ phiếu HNG. Từ đó nhóm Thaco đã hoàn tất sở hữu trên 35% vốn tại HAGL Agrico.
Còn công ty con của Thaco là CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% HAGL Myamar, tương ứng 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, Thaco cũng chịu trách nhiệm chính đối với dự án này và đẩy nhanh xây dựng giai đoạn 2 để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar.
Ngoài ra, Thaco cũng cam kết hỗ trợ tái cấu trúc nợ vay hơn 14.000 tỷ cho HAGL.
Đã có những chuyển biến trong chỉ số tài chính
Thực tế, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019, tổng vay nợ (ngắn và dài hạn) HAGL là 17.628 tỷ đồng, giảm 4.126 tỷ so với đầu kỳ, riêng nợ vay dài hạn giảm đáng kể từ 14.804 tỷ về 11.240 tỷ đồng.
Còn tại HAGL Agrico cũng ghi nhận tổng nợ vay 12.218 tỷ đồng, giảm 3.212 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 9.551 tỷ xuống còn 5.124 tỷ đồng, ngược lại áp lực nợ đến hạn vẫn còn cao khi vay ngắn hạn tăng 1.216 tỷ đồng.
Đáng nói, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn của HAGL Agrico tăng tới gần 5.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2019, phần lớn số dư phát sinh đến từ khoản trả trước chuyển nhượng dự án của Thadi.
Đồng thời, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy Công ty đã thu hồi được 4.858 tỷ đồng từ góp vốn vào đơn vị khác (hoạt động đầu tư) trong nửa đầu năm 2019.
Điển hình là một những thương vụ chuyển nhượng gần đây của HAGL Agrico gồm Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên (vốn 3.277 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương (vốn 2.183,6 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đông Pênh (vốn 1.923 tỷ đồng) cho Thadi vừa qua.
Mặc dù dòng tiền thực tế của các công ty của bầu Đức cải thiện đáng kể so với giai đoạn cùng cực trước đó. Như thế không có nghĩa là mọi khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai đã qua.
Hệ số nợ vay trên vốn của HAG và HNG còn cao gây mất cân đối tài chính; lợi nhuận làm ra vẫn bấp bênh chưa ổn định khi liên tục lỗ trong những quý vừa qua… Chính những điều này làm nhà đầu tư vẫn còn lo ngại.
Cổ phiếu HAG vẫn lẹt đẹt bằng ly trà đá, HNG có nhỉnh hơn
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAG và HNG có khá nhiều biến động trong vòng 1 năm qua trước những thông tin vừa khả quan vừa bi quan. Trong đó, cổ phiếu HNG có biên độ dao động lớn hơn và có chiều hướng khả quan hơn HAG.
Cụ thể, cổ phiếu HAG ghi nhận mức giảm mạnh 18.64% trong vòng 1 năm qua, hiện giao dịch lẹt đẹt dưới mệnh giá, tại mức giá 4.770 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 10/9. Mặc dù cổ phiếu dưới mệnh giá nhưng thanh khoản của HAG rất cao khi bình quân 1 năm qua tới hơn 3,2 triệu đơn vị/phiên.
Ngược lại, HNG lại có biểu hiện khả quan hơn khi tăng hơn 4% trong 1 năm qua, đóng cửa phiên 10/9 tại 17.300 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân trong năm qua của cổ phiếu HNG thấp hơn HAG, ở mức hơn 1 triệu đơn vị/ngày.
Cổ phiếu HAG và HNG đều bị rơi vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm và đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính 2018.
Theo Minh An (Kienthuc.net.vn)