Mới đây, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) đã bất ngờ đưa ra thông báo về việc thoái toàn bộ vốn đang sở hữu tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC).
Hùng Vương đang nắm giữ tổng cộng 54,28% vốn góp tại Thực phẩm Sao Ta, tương đương khối lượng cổ phiếu lên tới 21 triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta đang được giao dịch với giá 22.450 đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn theo giá thị trường, số tiền mà Hùng Vương thu về sẽ không dưới 470 tỷ đồng.
Trước đó, chính đại gia Dương Ngọc Minh và HĐQT Hùng Vương từng từ chối lời đề nghị trị giá 460 tỷ đồng từ đối tác Nhật Bản trong thương vụ mua lại Sao Ta.
“Lấy vài trăm tỷ đồng mà để mất đi thương hiệu Sao Ta và mất đi ngành tôm thì không đáng”, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hùng Vương, chia sẻ với cổ đông trong ĐHĐCĐ thường niên tổ chức gần đây.
Thực phẩm Sao Ta chính là công ty có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất trong hệ thống các công ty con và công ty liên kết của Hùng Vương. Công ty mới đây đã thông báo về việc kết quả lợi nhuận năm 2017 đạt mức cao kỷ lục, tăng 60% so với cùng kỳ trước đó nhờ nuôi tôm đúng thời điểm tăng giá.
Sao Ta cũng tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông nhận 1.500 đồng), trước đó, công ty cũng đã chia cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 30%.
Việc Hùng Vương thoái vốn tại Sao Ta diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của đại gia thủy sản này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hùng Vương là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam sử dụng niên độ kế toán mới. Từ năm 2015, thời điểm kết thúc năm tài chính trong báo cáo tài chính của Hùng Vương là hết tháng 9 hàng năm.
Năm 2016, kết quả còn xấu hơn với Hùng Vương khi các cổ đông công ty phải gánh khoản lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng của công ty. Theo báo cáo tài chính mới nhất, kết thúc năm tài chính 2017, Hùng Vương báo lỗ tới 132 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần số lỗ 49 tỷ đồng trong năm tài chính 2016.
Tính đến hết tháng 6, Hùng Vương đang có khoản nợ tài chính ngắn hạn lên tới 7.200 tỷ đồng và hơn 944 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn. Tổng nợ phải trả của công ty cũng đã vượt mức 4 lần so với vốn chủ sở hữu.
Trước đó, cũng chính khó khăn từ hoạt động kinh doanh và áp lực trả nợ mà Hùng Vương đã phải giải thể công ty Địa ốc An Lạc để thanh ý 4 khu đất “vàng” tại các vị trí đắc địa tại TP.HCM để thu hồi vốn.
Hùng Vương được xem là "đế chế riêng" của đại gia Dương Ngọc Minh khi ông vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là Tổng giám đốc công ty. Vị đại gia này cũng là cổ đông lớn nhất tại công ty nắm giữ tới 39,13% vốn cổ phần công ty.
Kết quả kinh doanh gặp khó khăn, tháng 8, cổ phiếu HVG của Hùng Vương bị đưa vào diện cảnh báo đặc biệt do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2017 báo lãi âm. Không dừng lại ở đó, thị giá cổ phiếu HVG đã giảm hơn 40% giá trị kể từ đầu năm, hiện chỉ được giao dịch với giá hơn 5.000 đồng/cổ phần.
Trước đại gia Dương Ngọc Minh, ông Đoàn Nguyên Đức cũng là đại gia đã phải thanh lý rất nhiều tài sản cá nhân và doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản nợ vay đang "bủa vây" Hoàng Anh Gia Lai.
Tuy đã giải tỏa được áp lực nợ vay ngắn hạn và cơ cấu lại kết quả kinh doanh nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đặc biệt là khoản tiền lãi khổng lồ hàng năm từ hơn 20.000 tỷ đồng vay dài hạn.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)