Sắp thanh tra hoạt động của Lazada

03/07/2018 09:24:32

Liên quan đến số lượng lớn phản ánh của người tiêu dùng về những vấn đề lặp lại trong quá trình kinh doanh của Lazada, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ kết hợp với cơ quan liên quan tiến hành thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty này trong thời gian tới.

Sắp thanh tra hoạt động của Lazada

Cảnh báo các hình thức lừa đảo mới trong kinh doanh đa cấp

Bộ Công Thương vừa đưa ra nhiều cảnh báo liên quan đến việc một số công ty bán hàng đa cấp cung cấp những sản phẩm thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường với những hình thức phân phối mới khiến người tiêu dùng có thể bị mắc bẫy.

Theo Bộ Công Thương, thực tế hiện nay, có nhiều công ty bán hàng đa cấp bất chính thường không phân phối sản phẩm gì cụ thể hay cố định mà chỉ tồn tại mạng lưới thông qua tuyển dụng, hoặc có sản phẩm nhưng chỉ mang tính tượng trưng, đối phó.

Những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết các công ty đa cấp bất chính là những công ty này thường giao sai sản phẩm, chất lượng hàng kém hoặc hàng hỏng, hàng giả nhưng không thu hồi lại; giao hàng nhái, hàng có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên website; đăng sai giá hoặc hủy đơn hàng không lý do khiến người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước.

Sản phẩm của công ty đa cấp bất chính thường không có nhãn mác, khi khách hàng mua sẽ không được cung cấp hóa đơn mua hàng; không đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm đối với thực phẩm và thực phẩm chức năng để đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Theo Bộ Công Thương, có rất nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp khiến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phải ráo riết vào cuộc. Năm 2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại Lazada.vn.

Theo đó, các vụ việc chủ yếu có nội dung Lazada chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ, hàng đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm,… gây tâm lý bức xúc cho người tiêu dùng.

Trên cơ sở khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành làm việc với Lazada, đề nghị Lazada giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng và giải trình về quy trình kinh doanh của Công ty. Lazada sau đó đã giải quyết thỏa đáng các trường hợp khiếu nại.

“Liên quan đến số lượng lớn phản ánh của người tiêu dùng về những vấn đề lặp lại trong quá trình kinh doanh của Lazada, Cục sẽ kết hợp với cơ quan liên quan tiến hành thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty này trong thời gian tới”, Bộ Công Thương cho hay.

Cũng theo Bộ Công Thương, hiện có rất nhiều trang website bán hàng online theo hình thức trung gian giống như Lazada cũng thực hiện không đúng quy trình. Bởi vậy, người tiêu dùng cần thiết phải tỉnh táo mua ở trang website chính hãng của công ty, không nên mua sản phẩm trên những trang website bán hàng trung gian.

Hồi đầu tháng 5/2018 vừa qua, Lazada đã thông báo đóng cửa khối văn phòng ở Hà Nội. Trả lời báo chí, về thông tin đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, Lazada tuyên bố rằng, hoạt động này chỉ đơn thuần là chuyển khối nhân viên làm việc mảng thương mại và công nghệ vào TP.HCM để tập trung quản lý.

"Tại TP.HCM, chúng tôi đang mở rộng phát triển nhân lực khối thương mại và công nghệ. Vì thế, một số nhân sự liên quan đến công tác văn phòng và phát triển kinh doanh tại Hà Nội đã chuyển địa điểm làm việc vào với mục tiêu thống nhất bộ máy quản lý và tạo điều kiện cho công tác huấn luyện đào tạo", đại diện truyền thông của công ty cho biết.

Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình

Trước việc nhiều công ty đa cấp lừa đảo người tiêu dùng, theo Bộ Công Thương, người tiêu dùng, tốt hơn hết là phải tự bảo vệ mình để không bị “tiền mất tật mang”.

Khi mua hàng, cần lựa chọn trang thương mại điện tử hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử “tốt” để giao dịch, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.

Cùng đó, cần cảnh giác với những trang website hoặc tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo, sản phẩm, dịch vụ với giá thấp hoăc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.

Đặc biệt là phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có số lượng người tham gia lớn nhất là Công ty Mỹ phẩm Thường Xuân (Oriflame Việt Nam) với 371.547 người, chiếm khoảng 52,53 % tổng số người tham gia trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp có số lượng tham gia lớn như Amway Việt Nam (khoảng 11,18%), New Image Việt Nam (khoảng 10,12 %), Herbalife Việt Nam (khoảng 6,21 %) và Công ty Thiên Sư Việt Nam (khoảng 4%). Tổng số người tham gia của những doanh nghiệp này chiếm 84,5% toàn ngành.

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ so với 2016. Trong đó, doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất là Herbalife Việt Nam với hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 25,62%.

Ba doanh nghiệp khác có doanh thu trên 1.000 tỷ là Oriflame Việt Nam, Amway Việt Nam và New Image Việt Nam. Các doanh nghiệp còn lại đều có doanh thu dưới 500 tỷ đồng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (71%), và mỹ phẩm (23%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 6%.

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)