Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) sáng 23/1 tiếp tục phát đi thông báo ngừng giao dịch trong cả ngày hôm nay.
Sự cố hy hữu này xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 22/1, khi phiên giao dịch chiều đang bước sang đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC), nhưng các lệnh giao dịch đã không thể được nhập vào hệ thống của HoSE. Đến 18h, thị trường vẫn chưa thể đóng cửa như thường lệ. Trong công văn phát đi tối 22/1, HoSE cho biết đang tích cực khắc phục sự cố lỗi hệ thống phần mềm.
Vẫn đang tìm nguyên nhân
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, chuyên gia của sở đang cùng các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (đơn vị cung cấp hệ thống) tích cực phân tích, tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố, rất hy vọng thị trường sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 24/1.
Trả lời báo Đầu tư chứng khoán, ông Lê Hải Trà, Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị HoSE, cho biết theo quy chế, đã có quy định kịch bản ứng phó với sự cố hệ thống giao dịch.
Trong trường hợp này, Sở có thể tổ chức lại phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ, xác định giá đóng cửa. Nhưng phương án này không khả thi, vì hệ thống đang trong quá trình khắc phục sự cố.
Phương án thứ hai có tính khả thi, là lấy giá khớp lệnh cuối cùng của phiên giao dịch khớp lệnh liên tục làm giá đóng cửa.
"Chúng tôi vẫn đang xác định nguyên nhân và cố gắng đưa hệ thống trở lại giao dịch sớm nhất có thể", ông Trà thông tin.
Sáng nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đề nghị các thành viên thị trường tích cực phối hợp với HoSE trong quá trình khắc phục sự cố, thông tin đầy đủ đến các nhà đầu tư, tổ chức giao dịch bình thường trở lại khi có thông báo.
Đặc biệt, vì thị trường cơ sở tạm ngừng giao dịch nên chỉ số VN30 sẽ không có biến động trong ngày 23/1. Sở GDCK Hà Nội khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc có quyết định phù hợp đối với các hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 khi tham gia giao dịch ở thị trường phái sinh trong ngày.
Nhà đầu tư thiệt hại chi phí cơ hội
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí, cho rằng sự cố này không gây thiệt hại trực tiếp cho tài khoản của nhà đầu tư, nhưng gây bất tiện cho nhiều nhà đầu tư giao dịch trong thời gian sự cố xảy ra. Bởi kỳ vọng đầu tư mức giá tốt của họ đã không được toại nguyện.
“Đối với nhà đầu tư tổ chức, tôi nghĩ trong thời điểm này nên đầu tư theo xu hướng hơn là kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Điều này có nghĩa họ cần đánh giá rõ về doanh nghiệp tham gia mua, và chỉ nắm giữ cổ phiếu chứ không nên tham gia giao dịch nhiều, chờ đến khi hệ thống ổn định hơn", ông Khánh cho biết.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự cũng nhận định sàn HoSE tạm dừng giao dịch trong thời điểm thị trường có mức thanh khoản tốt, đà tăng điểm đang tiến triển tốt, là một thiệt thòi lớn cho nhà đầu tư.
"Tuy nhiên thiệt hại có lẽ không nhiều nên nhà đầu tư không nên quá lo lắng, vì lệnh chưa khớp thì tài khoản vẫn còn nguyên. Có thể thị trường sẽ khởi sắc sau khi được mở cửa trở lại”, ông dự báo.
Cùng quan điểm này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng nói thiệt hại với nhà đầu tư là không tính được. Nếu có thì đây chỉ là chi phí cơ hội, tức nhà đầu tư mất cơ hội mua/bán hàng giá như mong muốn, nên cũng không ai tính toán để khiếu nại được. Tuy nhiên, HoSE là đơn vị tổ chức sàn giao dịch thu phí, thì không thể nói đó là sự cố ngoài ý muốn.
"Cái đáng nói là uy tín của HoSE với các nhà đầu tư. Và nếu không khắc phục, nâng cấp đảm bảo thì chưa thể nói trước được sự cố có lặp lại trong những phiên sắp tới hay không", ông Hiển nói.
Hệ thống đầu tư chưa tương xứng với quy mô
Về thông tin lỗi phần mềm hệ thống mà HoSE đưa ra ban đầu, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói rằng bản thân ông khó chấp nhận lỗi kỹ thuật này.
"Dù HoSE công bố khắc phục như thế nào đi nữa thì chúng ta cũng thấy rằng hệ thống phần mềm nói riêng và cả hệ thống giao dịch của sàn TP.HCM đã không đạt yêu cầu. Bởi một hệ thống giao dịch luôn có dự phòng, khi có sự cố sẽ xử lý kịp thời. Ở đây HoSE đã không tính đến phương án dự phòng nên mới để tình trạng ngừng giao dịch xảy ra dài như vậy", ông Hiển nói
Cũng theo ông Hiển, loại trừ lý do thị trường giao dịch quá nóng hay cổ phiếu nào đó giao dịch bất thường. Bởi sở có quyền ngừng giao dịch khi phát hiện bất thường. Tất cả ở đây là lỗi kỹ thuật, sở đã không đầu tư hệ thống phòng ngừa rủi ro. Kịch bản về xử lý trục trặc hệ thống quá kém với quy mô sàn giao dịch có vốn hóa lên đến cả trăm nghìn tỷ như HoSE.
"Hệ thống giao dịch là linh hồn của sở giao dịch. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đã không tương xứng, nên khi thị trường tăng quy mô, tăng khối lượng nhà đầu tư, tăng giao dịch… thì quá tải, không đáp ứng", ông Hiển nói thêm.
Chuyên gia này cũng cho rằng HoSE là sở non trẻ, hoàn toàn có đủ điều kiện để đầu tư, nâng cấp hệ thống hiện đại.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng sự cố kỹ thuật tại HoSE là đáng tiếc. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải.
“Khi thị trường gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư, dù ít hay nhiều. Trong những trường hợp như sự cố đang diễn ra tại HoSE thì điều quan trọng là các Sở và cơ quan quản lý cần thông báo kịp thời đến các thành viên thị trường và nhà đầu tư, để họ biết và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến hoạt động và quyết định đầu tư”, ông Dũng nói.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)