Sắp hết thời "xài chùa" vốn ODA

13/12/2015 07:30:18

Nợ công gia tăng nhanh, đã sắp chạm ngưỡng nhưng vì nhu cầu vốn đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia là rất lớn nên không còn cách nào khác là vẫn phải vay thêm.

Nợ công gia tăng nhanh, đã sắp chạm ngưỡng nhưng vì nhu cầu vốn đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia là rất lớn nên không còn cách nào khác là vẫn phải vay thêm.

Vay thêm, nhưng nếu không đi kèm với các cơ chế ràng buộc, chia sẻ rủi ro, nếu vẫn giữ nguyên cơ chế “cấp phát” như bao năm nay thì thật nguy quá. Xưa nay, với cơ chế cấp phát vốn từ Trung ương, đa số lãnh đạo các địa phương thường cho đây là tiền trợ cấp, là vốn cho không nên tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt.

Trong 10 năm qua, mỗi năm tổng vốn ODA cho vay lại, có 1/3 về địa phương và 2/3 về Trung ương. Theo đó, với khoảng 15 tỷ USD cấp về địa phương, có trên 92% cấp phát và chỉ khoảng 7% cho vay lại. Nguồn vốn được cấp phát thì tội gì không đăng ký thật nhiều, thế nên đây cũng là nguyên nhân chính khiến hiệu quả đầu tư chưa cao. Theo đánh giá, bên cạnh một số dự án lớn đã được đưa vào sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì rất nhiều dự án đều “có vấn đề”.

Hầu hết dự án tại các địa phương đăng ký không bố trí được vốn đối ứng, không có đủ mặt bằng và bị chậm tiến độ. Thời gian thực hiện dự án trung bình 8-10 năm và có trường hợp kéo dài 12 năm mới xong. So với thời gian đưa ra trong văn kiện dự án và quyết định đầu tư là 5 năm thì không có dự án nào đạt được và có tới 90% gia hạn ít nhất 1 lần. Tình trạng chậm tiến độ kéo theo nhiều chi phí trượt giá và giải phóng mặt bằng, phát sinh khối lượng công việc khi quy hoạch thay đổi, thiết kế thay đổi, phải đầu tư lại khiến cho phát sinh thêm chi phí thiết kế tư vấn.

Do vậy, trong điều kiện vô cùng căng thẳng về ngân sách và nợ công như hiện nay, đặc biệt là từ năm 2017, các khoản ODA sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt, Việt Nam phải chuyển sang vay thương mại với lãi suất cao hơn nhiều thì tư tưởng “xài chùa” cần phải “đoạn tuyệt”. Đã đến lúc cơ chế “cấp phát” phải chuyển sang cơ chế cho vay (với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại) và trách nhiệm trả nợ chuyển dần từ Trung ương sang địa phương.

Đây là xu hướng tất yếu, thế nhưng, cho vay cũng cần phải tính toán kỹ, phải có cơ chế giám sát nếu không “xài chùa” lại vẫn hoàn “xài chùa”. Nhiều người lo ngại Trung ương cho địa phương vay chẳng khác nào “mẹ cho con vay”, có khi vốn cho vay lại thành “nợ xấu” cũng nên.

Theo Linh Nhật (An Ninh Thủ Đô)