Muốn rót thêm tiền vào cũng khó
Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" diễn ra hôm qua (23/7) do Báo Đầu tư tổ chức, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết sắp tích hợp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết thành một quy trình để thêm nhiều cổ phiếu chất lượng cho thị trường chứng khoán.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN, cơ quan này đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55 để tích hợp hai quy trình IPO và niêm yết thành một. Sau khi sửa đổi các quy định này, doanh nghiệp sẽ được niêm yết ngay sau khi IPO.
Trên thực tế, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) không nhiều.
Ngoài ra, việc có mặt các doanh nghiệp lớn trên TTCK và nâng hạng thị trường là mối quan hệ hữu cơ.
Có điều mâu thuẫn là, không ít doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì họ chưa nhìn thấy nhiều nhà đầu tư mạnh có thể mua được phần vốn lớn của họ. Các doanh nghiệp này không muốn sở hữu bị dàn trải, với quá nhiều cổ đông nhỏ lẻ.
Trong khi đó, các tổ chức đầu tư nước ngoài lại trì hoãn đổ tiền vào TTCK Việt Nam do không có nhiều doanh nghiệp lớn và chất lượng. Một số ông lớn chất lượng trên sàn đã kín room sở hữu nước ngoài. Một số mã lớn nằm ở thị trường Upcom, như trường hợp Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), theo quy định, các tổ chức quốc tế chỉ được rót một tỷ lệ tiền rất nhỏ vào các mã chưa lên sàn.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp mà UBCKNN cố gắng để nâng hạng TTCK.
Hiện, IPO và niêm yết là hai quá trình tách biệt. Một số doanh nghiệp IPO xong nhưng quá trình niêm yết kéo dài.
Như trường hợp Lọc hóa dầu Bình Sơn có quy mô vốn hóa 66 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang trên sàn Upcom, dù rất tích cực nhưng đang vướng mắc một số vấn đề kỹ thuật và chưa đưa được cổ phiếu niêm yết trên HOSE.
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI, cũng đồng quan điểm về việc TTCK trong vài năm qua không có nhiều lựa chọn, như trường hợp rổ VN30 không có thêm mã mới nào.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn phân bổ thêm nhiều tiền vào Việt Nam cũng khó, vì họ phải chờ để có thêm nhiều hàng hóa, chờ được nới room, chờ thanh khoản cao hơn...
Nâng hạng thị trường, hút thêm tỷ USD vốn ngoại
Thời gian qua, vốn ngoại rút nhiều khỏi TTCK Việt Nam, với hơn 60 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm. Đây cũng là tình trạng chung trên thế giới, khi mà đồng USD tăng giá, Mỹ duy trì lãi suất rất cao.
Thực tế cho thấy, khối ngoại bán 6 tỷ USD tại Thái Lan, 120 tỷ USD tại Trung Quốc… trong 6 tháng đầu năm, cao hơn tại Việt Nam rất nhiều. Tình trạng này được dự báo sẽ thay đổi trong những tháng cuối năm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ, có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới.
Một số dự báo cho rằng, chỉ cần TTCK được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, sẽ thu hút thêm khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại, chưa kể sự đảo chiều về chính sách tiền tệ của Mỹ.
Tuy nhiên, bà Hằng đánh giá, việc có hút được nhiều vốn hay không còn phụ thuộc có nhiều câu chuyện, như hàng hóa có mới hay không.
Ông Bùi Hoàng Hải cho hay, Nhà nước không dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hoặc từ bỏ thị trường. Tuy nhiên, sẽ có những biện pháp hỗ trợ. UBCKNN đang phân chia lại các mảng thị trường HoSE, HNX, UPCoM và sắp xếp lại doanh nghiệp vào các mảng phù hợp.
Việc gắn IPO và niêm yết cũng được kỳ vọng sẽ thêm nhiều cổ phiếu chất lượng cho Vn-Index.
Theo ông Hải, nếu tính về thanh khoản, Việt Nam có thể tự tin là một trong những thị trường chứng khoán sôi động nhất khu vực Đông Nam Á, với bình quân giao dịch khoảng 1 tỷ USD/phiên; chưa tính đến khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Sau 24 năm phát triển, TTCK Việt Nam hiện là một thị trường khá lớn trong khu vực với 1.800 mã cổ phiếu được đăng ký niêm yết giao dịch với mức vốn hóa đạt 70% GDP (khoảng 300 tỷ USD). Nếu tính theo tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP thì tỷ lệ của TTCK Việt Nam xếp thứ 34 hoặc 35 trên thế giới.
Về những vướng mắc cho hoạt động giao dịch của khối ngoại, UBCKNN tuần qua đã chính công bố Dự thảo thông tư về việc gỡ nút thắt prefunding (hiện quy định nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt lệnh cần ký quỹ đủ 100% tiền hoặc chứng khoán trong tài khoản giao dịch) và quy định thông tin bằng tiếng Anh.
Tại dự thảo thông tư sửa đổi, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (prefunding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.
Dự thảo được đánh giá sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng TTCK Việt Nam.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)