Liên quan đến vụ lô hàng 11 tỷ của công ty TS đang bị thu hồi để điều tra và làm rõ, các người đẹp showbiz từng quảng cáo cho sản phẩm của công ty này cũng không thể đứng ngoài.
Với tầm ảnh hưởng của những ngôi sao, việc quảng bá cho nhiều sản phẩm chưa được xác minh nguồn gốc, xuất xứ đã thổi bùng lên nhiều tranh cãi.
Trong số đó, không ít độc giả đề nghị cơ quan chức năng nên xử lý cả vai trò đại sứ - những gương mặt đại diện gián tiếp lan truyền những sản phẩm có nguy cơ kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Để làm rõ hơn về việc này, PV vừa có cuộc chia sẻ với Luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco - Đoàn Luật sư Hà Nội.
Lỗi thuộc về doanh nghiệp trước tiên
Nhận xét về câu trả lời "Mọi trách nhiệm thuộc về công ty TS" của nữ diễn viên Lã Thanh Huyền, LS cho biết cách nói này không sai. "Bởi mỗi sự việc diễn ra cần được xem xét trên nhiều phương diện và góc độ khác nhau, và mỗi người tham gia vào một quan hệ xã hội đều có những trách nhiệm nhất định, nhất là trách nhiệm xã hội".
Nhìn ở góc độ pháp luật thì cần phải xem xét là pháp luật quy định trách nhiệm đối với một sự cố thuộc về ai, hay nói cách khác, là chủ thể của quan hệ pháp luật đó là thuộc về ai.
"Trong trường hợp này, câu nói ấy có cơ sở. Vì khi xem xét đến yếu tố lỗi, tôi chưa phát hiện ra bất kỳ lỗi và sai phạm nào của những diễn viên, gương mặt thương hiệu đó, mà chủ yếu là lỗi của doanh nghiệp phân phối sản phẩm", LS nhận định.
Uớc tính, TS Group từng có trên 10 người đẹp là diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hot girl làm đại sứ và quảng cáo sản phẩm cho công ty TS Group. Ngoài Ốc Thanh Vân và Bảo Thanh, những ngôi sao khác như Ngọc Hân, Huyền Lizzie, Jennifer Phạm, Trương Quỳnh Anh, Thuý Diễm, Tâm Tít... đều im lặng hoặc từ chối lên tiếng về vấn đề này.
Nói về mối quan hệ giữa các đại sứ thương hiệu và doanh nghiệp, LS giải thích: "Về bản chất thì họ là một nhân vật hay công cụ quảng cáo được doanh nghiệp thuê về để sử dụng cho mục đích chuyển tải thông tin sản phẩm tới công chúng. Vì vậy, họ chịu sự chi phối và điều khiển của doanh nghiệp chứ không trực tiếp thực hiện các hành vi quảng cáo với tư cách của doanh nghiệp".
Luật sư Hà Huy Phong xác định đây là một quan hệ pháp luật dân sự không trái pháp luật, vì không có quy định nào cấm những người nổi tiếng là đại diện thương hiệu, nên họ được quyền tham gia hợp đồng với doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm.
Đại sứ thương hiệu là gì?
Theo LS, cụm từ "đại sứ thương hiệu" mà nhiều doanh nghiệm hay sử dụng thực chất chỉ là một thuật ngữ trong marketing. Còn về góc độ pháp luật, nó không phải là một thuật ngữ mang tính pháp lý.
"Trong luật quảng cáo có một vài quy định đề cập đến khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng, hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự", anh nói rõ.
Mặc dù không hoàn toàn trùng khớp với khái niệm "người đại diện thương hiệu", nhưng chúng cũng phần nào có sự tương đồng. Tuy nhiên, quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ dừng lại tại đây và không được quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
"Nhưng, nghệ sĩ phải có trách nhiệm xã hội"
Xoay quanh tuyên bố "nghệ sĩ đôi khi cũng là nạn nhân của doanh nghiệp", LS cho rằng phát biểu đó không sai. "Nên tìm cách kiểm tra và xác thực độ tin cậy của sản phẩm, nhưng dưới góc độ pháp lý thì họ không bị bắt buộc phải làm như vậy. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm".
Việc xác định chất lượng sản phẩm có thể thực hiện bằng nhiều cách, có thể thông qua kiểm nghiệm hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua chính tuyên bố của doanh nghiệp.
"Đòi hỏi nghệ sỹ tự đi xác minh tính hợp pháp của sản phẩm là một điều rất khó và vô lý. Ở một giới hạn nào đó trong pháp lý, thì có một nguyên tắc đó là không thể biết và không bị buộc phải biết. Trường hợp này, nghệ sỹ không buộc phải biết, mà họ phải dựa trên cam kết và tuyên bố của doanh nghiệp", LS nhấn mạnh.
Anh phân tích về vai trò của người nghệ sĩ ở hai góc độ: trách nhiệm xã hội và trách nhiệm pháp luật. Tùy vào trường hợp cần thì mới cần đánh giá và đặt họ ở vị trí nào trong một mối quan hệ pháp luật cụ thể.
"Nếu họ chỉ tham gia vào việc quảng cáo với vai trò là người đại diện thương hiệu, không biết và không thể biết được nguồn gốc sản phẩm và chất lượng sản phẩm thì họ có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng trách nhiệm xã hội của họ vẫn tồn tại".
LS không hoàn toàn ủng hộ cho các người đẹp trong vụ việc vừa rồi, bởi trách nhiệm của người nghệ sĩ vẫn cần xác minh kỹ càng nguồn gốc sản phẩm để tránh đưa ra xã hội những thông điệp quảng cáo cho sản phẩm trái pháp luật, có hại cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm với LS, một giảng viên tại trường Đại học Luật TP HCM cũng bổ sung thêm, nghệ sĩ xét cho cùng vẫn luôn tồn tại một đường dây trách nhiệm với công chúng.
Về khía cạnh xã hội, khi một nghệ sĩ sở hữu trang cá nhân có hàng triệu người theo dõi, nghĩa là người đó rất được dư luận yêu mến, tin tưởng. Họ nói gì, làm gì, mặc gì hay thậm chí ăn gì cũng được người hâm mộ quan tâm.
Sự quan tâm ấy giúp họ - những nghệ sĩ ngoài công việc là tham gia nghệ thuật - còn kiếm được những số tiền không hề nhỏ từ các hoạt động quảng cáo trên Facebook.
Vụ việc lô hàng 11 tỷ đang bị nghi hàng giả, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu trách nhiệm của bộ phận không nhỏ nghệ sĩ trong việc sử dụng hình ảnh của chính mình để kiếm tiền.
Việc quảng cáo bằng video, ảnh, bài đăng, livestream trên Facebook của nghệ sĩ khi quảng cáo cho nhãn hàng, sản phẩm có phải là bất cập trong việc kiếm tiền từ Facebook hiện nay?
"Theo luật quảng cáo hiện hành thì các chủ thể của quan hệ pháp luật trong lĩnh vực này chủ yếu gồm: người quảng cáo, người cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, và người chuyển tải sản phẩm.
Tôi cho rằng, khi trực tiếp sử dụng các kênh cá nhân của mình để quảng cáo cho nhãn hàng là đã tham gia vào hoạt động quảng cáo với vai trò của người phát hành quảng cáo.
Theo quy định tại điều 14 Luật Quảng cáo thì Người phát hành quảng cáo có các quyền và nghĩa vụ như:
1. Được quảng cáo trên phương tiện của mình và thu phí dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo.
3. Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
4. Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết và chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
5. Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
6. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tôi không cho đây là bất cập trong việc kiếm tiền từ Facebook mà đó là bất cập từ ý thức pháp luật của chính các nghệ sỹ. Bản thân môt số nghệ sỹ chưa hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật nên chưa chấp hành đầy đủ và nghiêm túc" - LS Hà Huy Phong kết luận.
Theo Duy Vũ (Tri Thức Trực Tuyến)