Các nhóm đào bới địa sâm vẫn tiếp tục xuất hiện, tàn phá các bãi biển…
Trưa giữa tháng sáu, nắng như đổ lửa, tại khu vực ven phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế) người săn địa sâm vẫn cần mẫn dùng thuổng đào xới bãi biển. Họ đào miết, thỉnh thoảng mới ngẩng đầu lên chuyện trò vài câu rồi lại tiếp tục công việc. Bãi biển phẳng lỳ, chỉ một chốc đã trở nên nham nhở…
Một người cho biết, địa sâm khá quý, được xem là thần dược cường dương nên có nhiều người tìm mua với mong muốn tăng khả năng giường chiếu. Tuy nhiên, số lượng người mua lẻ để sử dụng là không nhiều. Thay vào đó, họ khai thác, chế biến sơ rồi bán cho các thương lái. Sau đó, thương lái sẽ mang ra Bắc bán cho các thương lái người Trung Quốc. Khi được hỏi, thương lái Trung Quốc mua địa sâm làm gì, những người khai thác chỉ biết lắc đầu.
|
Địa sâm được nhiều người biết đến là "thần dược" chốn phòng the
|
Ông Nguyễn Văn S cho biết, quê ở tỉnh Quảng Nam. Trước đây, ông khai thác địa sâm ở quê nhà. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do số lượng người khai thác nhiều nên địa sâm cạn kiệt. Do giá thành khá cao, 1 kg địa sâm tươi giá 50.000 đồng và địa sâm khô là 800 nghìn đồng nên vẫn muốn bám vào tìm kiếm loài giun biển.
Hai năm trước, ông nghe mọi người bảo, các bãi biển ở huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) địa sâm nhiều nên “di cư” ra đây tìm kiếm. Vài năm trước, ở Huế chưa ai khai thác địa sâm nên rất nhiều. Mỗi ngày, cật lực đào, một người có thể bắt được gần 1 tạ kg địa sâm tươi. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, người dân tại địa phương biết đây là loài có giá nên cũng bắt đầu học cách khai thác. Do đó, giờ số lượng giảm sút nhiều.
Cũng theo lời ông S, ở quê ông còn có nhiều nhóm khác “di cư” ra huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) hoặc ra đến tỉnh Quảng Trị để tìm kiếm địa sâm. Mỗi cuộc “di cư” kéo dài chừng nửa tháng đến 20 ngày nên họ bới thức ăn, gạo… để tự nấu ăn. Khi đã thu gom được số lượng khá lớn, họ sẽ trở lại quê để bán cho thương lái lấy tiền.
Khó xử lý dứt điểm
Một người tên D đi cùng nhóm ông S chia sẻ thêm, địa sâm dài cỡ ngón tay út, hình trụ, dạng ống thon. Do dính bùn nên có màu hồng nhạt. Hàng năm, chúng xuất hiện nhiều khoảng từ tháng 3 đến tháng 8. Mặt bùn ụ lên vài lỗ nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy vòi nhỏ thò ra. Hầu như dưới mặt bùn là có địa sâm. Hiện tại, do thời tiết nắng nên việc khai thác khá thuận lợi. Mỗi ngày, nếu cật lực cũng kiếm được gần 20 kg địa sâm tươi.
Sau khi được đào bới xong, địa sâm sẽ được chế biến ngay, vì để lâu sẽ chết, giảm chất lượng. Chúng được rửa sạch rồi đem ngâm với nước vôi. Khoảng chừng nửa tiếng, chúng trương phồng lên. Mọi người chỉ cần dùng tay bóc lớp vỏ bên ngoài, để lại phần thịt màu nâu đỏ. Họ dùng chiếc đũa luồn vào đầu kín của địa sâm thông đến miệng để lộn trái, bỏ hết đất, cát rồi rửa sạch. Sau khi sơ chế, địa sâm được bán tươi hoặc phơi khô bán cho thương lái. Được biết, khoảng 15 kg địa sâm tươi phơi hoặc sấy mới được 1 kg địa sâm khô.
|
Các bãi biển đang bị đào xới bởi người tìm địa sâm |
Điều đáng nói, những năm trước, vùng biển Thừa Thiên Huế cũng từng xuất hiện các nhóm khai thác địa sâm. Họ không chỉ tàn phá bãi biển mà còn gây ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi trồng thủy sản ở khu vực ven bờ. Do đó, phía cơ quan chức năng đã gửi công văn yêu cầu các địa phương ven biển tăng cường biện pháp đuổi những nhóm khai thác địa sâm.
Ông Phan Hoa (trưởng công an xã Quảng Công) cho biết, thời gian gần đây, nhận được thông tin có nhóm săn địa sâm đến từ tỉnh Bình Định. Để tránh hệ lụy về sau, cơ quan chức năng xã đã kiểm tra và khuyên họ đi khỏi địa bàn.
Ông Nguyễn Đính (chủ tịch xã Quảng Công) cho biết, khi phát hiện các nhóm khai thác địa sâm thì cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra rồi trục xuất đi nơi khác chứ không thể xử lý. Bởi, dù việc đào bới đại sâm đã mang lại những tác hại như gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ nuôi trồng thủy hải sản… nhưng vẫn chưa có chế tài xử lý.
Theo Nhật Bình (Khampha.vn)