Lại một đợt “cao trào” đầy ý đồ đưa bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vào các sản phẩm từ tài liệu phục vụ du lịch cho đến dịch vụ nội dung số, thiết bị máy móc, phim ảnh…
Như nhận định của giáo sư Zheng Wang tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (Đại học Seton Hall, Mỹ), rằng sự nguy hiểm của việc xâm lấn từ bản đồ “đường lưỡi bò” chính là tác động gây lệch lạc về nhận thức.
Đó là một thực tế. Tuy nhiên ngày nay, sự cảnh tỉnh từ dư luận quốc tế cũng như trong nước đã góp phần rất nhiều vào việc nâng cao nhận thức và làm rõ sự bất chính của bản đồ “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, đã từng có trường hợp xảy ra là bản đồ “đường lưỡi bò” được âm thầm cập nhật vào các sản phẩm số gây ra hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể là năm 2012, Công ty VNG đã phải ngừng phát hành trò chơi trực tuyến Chinh Đồ tại Việt Nam. Nguyên nhân đưa đến kết cục này là cộng đồng game thủ phát hiện trong nội dung game có hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Cụ thể, nội dung game trước đó do doanh nghiệp đối tác Trung Quốc cung cấp không hề có thể hiện bản đồ “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên trong một lần cập nhật, bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện.
Phía VNG khi đó cho rằng “đây là nội dung cập nhật không đúng với cam kết cũng như yêu cầu của VNG”. Và quyết định cuối cùng, dù biết trước sẽ bị tổn hại nặng nề nhưng VNG phải chấp nhận: Ngừng phát hành trò chơi Chinh Đồ tại Việt Nam.
Cùng với quyết định ngừng phát hành trò chơi Chinh Đồ, VNG phải bồi thường thiệt hại cho người chơi, chấp nhận thất thu. Năm đó, bộ phận vận hành game Chinh Đồ phải lãnh đủ, gây ra thất thu và mất thưởng, tổng thiệt hại từ vụ việc này VNG phải hứng chịu được cho rằng lên tới cả trăm tỉ đồng.
Song điều đó cũng chưa đáng sợ bằng việc phải đối mặt với sự giận dữ và phẫn nộ của người chơi và dư luận, doanh nghiệp Việt dễ bị đánh mất cảm tình của người chơi và khách hàng.
Mới đây nhất là trường hợp game online Âm Dương Sư (Onmyoji) do công ty NetEase (Trung Quốc) phát triển. Game này được công ty Bình Minh phát hành tại Việt Nam từ tháng 1.2018. Ngày 16.10 vừa qua, công ty Bình Minh ra thông báo ngừng phát hành game này vì phát hiện bản cập nhật vào trưa cùng ngày xuất hiện bản đồ “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với việc thông báo ngừng phát hành, công ty Bình Minh cũng cho biết sẽ đưa ra phương án hỗ trợ người chơi sớm nhất, đồng nghĩa với việc chịu tổn thất về kinh tế bên cạnh việc bị ảnh hưởng đến uy tín.
Trong trường hợp bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trong phim hoạt hình Abominable (Everest - Người tuyết bé nhỏ), phía nhà phát hành phim ngoài việc bị phạt vi phạm hành chính 170 triệu đồng còn bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (các file phim kỹ thuật số đã nhập, các tài liệu quảng cáo phim), rút toàn bộ thông tin phim trên các phương tiện truyền thông, ngừng chiếu phim trên toàn bộ hệ thống rạp… , như vậy cũng dẫn đến tổn thất không ít.
Việc “cài cắm” bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trong các sản phẩm, dịch vụ nội dung số thường không dễ phát hiện. Chính vì thế, không ít trường hợp khi doanh nghiệp nắm bắt được thông tin thì sản phẩm, dịch vụ đã lan tỏa rộng rãi đến rất nhiều người chơi, người dùng.
Từ vụ game Chinh Đồ có bản đồ “đường lưỡi bò” đến nay, cộng đồng game thủ Việt cũng đã nâng cao được ý thức cảnh giác rất nhiều trước các chiêu trò dùng phương thức bản cập nhật để đưa bản đồ phi pháp này vào nội dung các trò chơi trực tuyến. Đơn cử là trường hợp game Âm Dương Sư, doanh nghiệp Việt phát hành game này đã kịp thời chủ động ngừng phát hành và được người chơi cảm thông, ủng hộ.
Theo Thế Lâm (Lao Động)